Bố mẹ trái dấu, con lãnh đủ

- Anh Cường ngày ngày ra sức động viên con học hành, theo dõi từng bài kiểm tra của con trên lớp. Còn chị Hòa, vợ anh lại ung dung bảo con không phải học làm gì cho mệt người, mẹ đã có tiền lo cho tất cả. Hai vợ chồng chị không ngày nào không thôi tranh cãi nhau việc bắt con học hay cho con chơi.

Mẹ thực dụng, bố cầu tiến Anh Cường (Cầu Giấy, Hà Nội) ngày càng đau đầu với việc định hướng cho đứa con trai duy nhất đang học lớp 7. Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở quê lúa Thái Bình, anh hiểu nỗi vất vả, bấp bênh của thanh niên không có việc làm. Vì vậy, anh quyết tâm tu nghiệp học hành và thi đỗ vào ĐH Xây dựng. Ra trường và ở lại Thủ đô với 2 bàn tay trắng, giờ đây, anh đã là trường phòng của một công ty xây dựng lớn. Không muốn con lớn lên trở thành lêu lổng, ngay từ khi con còn nhỏ, anh đã quan tâm và rèn luyện cho con tính tự giác, chịu khó học tập. Thế nhưng vợ anh, chị Hòa, lại không có được tư tưởng như chồng. Mấy năm nay, chị mở quán kinh doanh karaoke và tiền nong ngày càng rủng rỉnh. Cũng từ đó mà tư tưởng của chị thay đổi chóng mặt.Chị không dạy con phải học hành hay hướng con có nghề trong tay để sau này tự lập. Chị thẳng thừng nói với thằng bé: “Không cần học,mẹ đã có tiền lo cho tất cả. Việc gì phải vất vả, mày vẫn có nhà đẹp, có xe đẹp, có việc làm tử tế!”. Vậy là cuộc chiến dạy con nổ ra trong gia đình. Anh Cường quyết tâm mời gia sư về dạy cho con còn chị Hòa lại căn dặn gia sư chỉ cần làm bài tập hộ. Không buổi nghỉ học trên trường hay chủ nhật nào anh chị không tranh giành nhau quyền đưa con đi học hay đưa đi lượn phố mua sắm. Anh than thở: “Tôi càng ngày càng bất lực với cô ấy, không thể khuyên can hay giảng giải đạo lý gì được với vợ nữa. Cái máu thực dụng của vợ khiến tôi điên cả đầu khi bố dạy điều hay, lát sau thằng bé lại nghe mẹ nói ngược lại.” Điều đáng sợ hơn cả là Hùng, con anh dường như đang dần thích cái sự nuông chiều của mẹ hơn. Càng ngày, nó càng chống đối, chểnh mảng học tập khiến anh đau xót mà không biết phải làm sao. Mẹ nuông chiều, bố hà khắc Chồng chị Liên (Tân Mai, Hà Nội), anh Hoàng, có tính cách rất độc đoán và hung dữ. Anh quan niệm dạy con là phải “cho roi cho vọt”. Vì vậy, mỗi lần con gái phạm lỗi, nhẹ là anh cáu gắt, chửi mắng còn nặng thì đương nhiên là roi vọt cho nhớ đời. Khi cô con gái đang tuổi lớn có dấu hiệu yêu đương và lêu lổng, anh đã từng “dằn mặt” con bằng một trận đòn và trói lại, nhốt trong nhà mấy ngày liền. Cô con gái tính tình lại càng ngang bướng khi bị bố đối xử hà khắc. Thương con, sợ con bị tổn thương nên chị Liên lại khác hẳn với chồng, ra sức chiều chuộng, đáp ứng những nhu cầu của con. Biết mẹ chiều chuộng và sợ mình, con gái chị quay ra bắt nạt mẹ, đòi hỏi, vòi vĩnh mẹ đủ thứ. Không được đáp ứng, con bé sẵn sàng bỏ nhà đi. Tất cả những chuyện đó, chị không dám hé răng nói với chồng nửa lời. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi chị khuyên con chấm dứt chuyện yêu đương để tập trung học hành, cô bé lập tức bỏ nhà đi với bạn trai. Anh Hoàng biết tin đó thì phát lệnh tìm con không khác gì lệnh truy nã. Không biết làm thế nào để khuyên con, cũng không biết cách nào để dịu đi ngọn lửa tức giận của chồng, chị Hòa chỉ còn biết trách mình đã lún quá sâu vào cái vòng luẩn quẩn trong gia đình. Ép con vươn theo truyền thống gia đình Chị Linh vốn là tiểu thư trong một gia đình mà mọi thành viên đều rất thành đạt ở Hà Nội. Kết duyên cùng anh Hưng - một chàng trai thông minh, tài hoa ở Hải Dương, đến bây giờ, anh chị đã có đưa con trai 10 tuổi. Kinh tế khá giả, anh chị tâm niệm chỉ sinh một đứa để nuôi dạy cho tốt. Nhưng việc nuôi dạy con thế nào giờ đây đang trở thành cuộc tranh cãi chưa có hồi kết giữa hai người. Bé Tuấn tuy còn nhỏ nhưng đã bộc lộ là một đứa trẻ thông minh và khá ngoan ngoãn. Chị Linh thấy con có tố chất nên quyết đầu tư để con sớm hơn người. Thế là một chương trình học dày đặc, kín mít được lập ra để thúc đầy sự phát triển của bé. Sáng học ở trường, chiều học ở trung tâm văn hóa, tối học với gia sư. Thứ 7, chủ nhật của Tuấn cũng vùi trong những buổi học với những thầy cô giáo giỏi mà chị Linh bỏ không ít công sức chọn lựa cho con. Tất nhiên, mùa hè của Tuấn trở thành mùa đi trước bạn bè về kiến thức. Nhìn lịch học của con, anh Hưng choáng váng. Tuy biết con thông minh nhưng quan điểm của anh lại khác chị hoàn toàn. Anh muốn con đi học ở ngoài vừa phải và tăng cường cho con khả năng tự học ở nhà. Đối với anh Hưng, con trai được vui chơi, được tận hưởng tuổi thơ trọn vẹn, học yêu thương, hòa đồng và nghỉ hè được về quê với ông bà quan trọng hơn là để con cõng trên lưng cả núi kiến thức. Mỗi người một hướng, bàn luận không xong, tranh cãi không giải quyết được. Anh Hưng mỗi ngày nhìn con lật đật theo mẹ và ô-sin đến các lớp học mà hoảng sợ. Bé Tuấn trở nên ít nói cười hơn hẳn, chỉ biết gật đầu theo mẹ. Thay vì cả nhà quây quần chuyện trò, giờ trong nhà chủ yếu là tiếng chị Linh vẽ ra viễn cảnh đẹp đẽ của con… Anh không biết làm sao để vợ bớt nghĩ đến cái từ “danh giá” trong đầu mà cho con một tuổi thơ đúng nghĩa. Bị áp đặt, lớn lên con khó tìm thấy hạnh phúc Theo anh Hoàng Dương, chuyên gia tư vấn của Trung tâm tư vấn Hoàng Nhân, những trường hợp cha mẹ "trái dấu" như thế này rất dễ khiến đứa con hoang mang, rối bời. Chúng có thể chống đối, phòng vệ và thông thường, khi còn nhỏ, đứa trẻ sẽ làm theo ý chí của “kẻ mạnh nhất trong nhà". Tuy nhiên, bố mẹ trái dấu và xung đột với nhau dữ dội như những trường hợp này cũng chính là cả hai người đang cố áp đặt ý chí của mình vào đứa trẻ. Bố và mẹ đã quên mất rằng, nên đánh giá khả năng của con mình đến đâu. Mỗi đứa trẻ có một khả năng thần kinh nhất định. Những đứa trẻ này khi lớn lên thường lệch lạc giá trị sống, hoặc đề cao vật chất, quyền lực, hoặc thể hiện những cái tôi quái dị…tình thương và trách nhiệm với gia đình, xã hội ít đi, cái tăng lên là tính ích kỷ, cá nhân và không ít bạo lực. Cuộc sống của các em sẽ rất khó hoặc không có hạnh phúc. Có nhiều em khi lớn lên không chịu nổi sự áp đặt ý chí, lại trở thành những đứa trẻ quậy phá, chống đối lại tất cả. Có em đã lao vào ăn chơi, đua đòi để phản kháng lại. Đau lòng hơn, có những em rơi vào trầm cảm, hưng cảm, thậm chí hoang tưởng hay phát điên lên. Đó là khi cái “tôi” của tuổi mới lớn phát triển, mọi sự áp đặt không phù hợp của bố mẹ khiến các em không nhân thức được mình là ai, mình phải làm gì, mình đang sống như thế nào… Vì vậy, cha mẹ cần thống nhất về giá trị sống từ đó đặt mục tiêu cho giáo dục và phương pháp giáo dục, hiểu trẻ như chúng vốn có là cách tốt nhất để đề ra phương pháp. "Hãy cảnh giác với tình yêu con theo cách riêng của mình, bởi phần nhiều tình yêu đó bị chi phối bởi tham vọng và làm méo mó tâm hồn và nhân cách trẻ" - anh nói. Nguyễn Hường

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/giaoduc/201009/Bo-me-trai-dau-con-lanh-du-937706/