Bố mẹ sốc khi con 7 tuổi cấp cứu với đường huyết ở mức 'chết người'

Con khát nước, mệt mỏi cho đến khám bố mẹ bất ngờ vì con mắc căn bệnh đái tháo đường type 2, căn bệnh vốn ở người già.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Cường – Phòng khám nội tiết Thái Hà, số bệnh nhân đái tháo đường type 2 là trẻ em ngày càng tăng lên và độ tuổi ngày càng thấp hơn. Trước đây, trẻ dưới 15 tuổi mắc đái tháo đường hiếm thì hiện tại trẻ dưới 10 tuổi đã mắc bệnh này.

Bệnh nhân trẻ nhất đang được bác sĩ Cường quản lý đó là cháu bé mới 7 tuổi, đến khám vì mệt mỏi, khát nước. Bệnh nhân uống rất nhiều nước, có ngày uống cả lít nước ngọt. Do khát, háo nước nên càng thích uống nước ngọt hơn.

Khi xét nghiệm máu chỉ số đường huyết của bệnh nhi cao chót vót, bác sĩ cũng bất ngờ bởi cháu bé không quá béo phì. Lục lại tiền sử gia đình thì hiện không có ai mắc đái tháo đường. Bố mẹ của bé cho biết con cao lớn hơn các bạn, 7 tuổi cháu bé đã cao 1,4 mét và nặng 49 kg.

Hàng ngày, trẻ thường ăn đồ ăn nhanh, ăn bánh kẹo ngọt. Chế độ ăn của bé vô cùng giàu calo dẫn tới thừa năng lượng và bị đái tháo đường type 2.

Ảnh bệnh nhân nhỏ tuổi bị đái tháo đường tại BV Nội tiết TƯ.

Ảnh bệnh nhân nhỏ tuổi bị đái tháo đường tại BV Nội tiết TƯ.

Trường hợp khác là 1 bé sinh năm 2011 cũng bị đái tháo đường type 2. BS Cường cho biết bệnh nhân này khi 10 tuổi đã nặng hơn 50 kg, tương đương người trưởng thành. Bé đến khám vì háo nước, mệt. Bác sĩ bệnh viện chẩn đoán đái tháo đường.

Sau khi cấp cứu vì đường huyết tăng quá cao, bệnh nhi được gia đình đưa về phòng khám của bác sĩ Cường quản lý theo dõi điều trị đái tháo đường type 2.

Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cũng từng tiếp nhận nữ bệnh nhân 13 tuổi nhập viện vì hôn mê. Khi xét nghiệm đường huyết của bé lên mức 1500 mg/Dl đây là mức chỉ số đường huyết “chết người”. Bố mẹ của bé đều “sốc” vì không nghĩ con còn bé đã mắc căn bệnh này.

Sau khi cấp cứu, bé gái được bác sĩ tư vấn điều trị đái tháo đường type 2. Mẹ của bé cho biết con nghiện nước ngọt, đồ ăn nhanh. Trong kỳ nghỉ, con về quê và được mọi người mua nhiều nước ngọt, các loại bánh kẹo, bim bim nên bé “như cá gặp nước” ăn càng nhiều hơn dẫn tới đường huyết tăng vọt.

Theo thạc sĩ Cường, tỷ lệ đái tháo đường ở trẻ em thực sự đáng báo động. Nguyên nhân đái tháo đường type 2 ở trẻ em đều do thực phẩm, lối sống gây ra.

Thói quen ăn uống vô tội vạ, uống nhiều nước ngọt, đi học và xem tivi, điện thoại thay vì vận động là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới đái tháo đường type2.

Với trẻ bị đái tháo đường type 2, việc điều trị ban đầu bác sĩ cho trẻ thay đổi lối sống, ăn uống. Trường hợp đường huyết quá cao trẻ phải chích insuline.

Thay đổi chế độ ăn, vận động được xem là “thuốc” đầu tay trong trị đái tháo đường type 2. Đối với trẻ, việc thay đổi này cực kỳ khó khăn đôi khi cha mẹ phải đồng hành cùng con.

PGS Tạ Văn Bình - Nguyên Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa - Đại học Y Hà Nội cho biết ông khám cho rất nhiều trẻ bị đái tháo đường. Có trường hợp trẻ mới lớp 5, lớp 6 đã mắc đái tháo đường type 2.

Trẻ đến khám đều có chung đặc điểm “thừa cân, béo phì” và khi hỏi về chế độ sinh hoạt thì các cháu đều được cha mẹ cho ăn thoải mái. Bữa sáng thay vì ăn uống ở nhà thì được bố mẹ cho tiền ăn, uống nước ngọt.

Theo bác sĩ Bình, các nguyên nhân không thể thay đổi được như gen, tuổi tác, tỷ lệ người dân đi khám bệnh tăng lên nên số ca bệnh đái tháo đường tăng lên.

Hiện nay cuộc sống của người dân thay đổi, đầu tiên lối sống thay đổi quá nhiều nhất là về chế độ dinh dưỡng, ăn nhiều chất tinh hơn, ít ăn chất thô, thức ăn nhanh… nhiều thứ khác nữa khiến bệnh đái tháo đường trẻ hóa.

Ngoài ra, hoạt động thể lực hiện nay càng ngày càng kém dẫn tới năng lượng đường cung cấp dư thừa và chuyển hóa tạo thành bệnh đái tháo đường.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/bo-me-soc-khi-con-7-tuoi-cap-cuu-voi-duong-huyet-o-muc-chet-nguoi-5006539.html