Bố mẹ cao khều nhưng con lùn nhất lớp, nguyên nhân gây bất ngờ

Chiều cao của một người con trai trưởng thành tính bằng chiều cao của cha (tính bằng cm) cộng với (chiều cao của mẹ cộng 14 cm), sau đó chia hai. Chiều cao cuối cùng của một người con gái tính bằng (chiều cao của cha trừ đi 14) cộng với chiều cao mẹ rồi chia hai.

Ngày nay, điều kiện y tế ở Việt Nam và thế giới được cải thiện nên hễ con cái có vấn đề gì dù nhỏ nhất cũng được cha mẹ chú ý kịp thời và đưa đến bác sĩ. Trong đó, tầm vóc thấp bé, con lùn là một trong những lý do phổ biến mà các bậc phụ huynh hay tìm đến bác sĩ nhi nhất do đây có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt hormone hoặc hội chứng di truyền.

Con lùn, đột ngột dừng tăng trưởng

Chị Vy – một nhân viên ở trạm y tế xã ở tỉnh Quảng Nam – có con trai năm nay lên lớp 1 rất lanh lợi, thông minh nhưng chỉ cao 1,05 m. Do làm trong ngành y nên chị biết con mình đang không đạt mức tăng trưởng chiều cao bình thường. “Chồng tôi cao 1,68 m, tôi cao 1,50 m nên tôi rất lo lắng không biết con lùn do di truyền mẹ hay mắc chứng bệnh gì về tuyến giáp không”, chị kể. Tháng qua, nghe tư vấn của các bác sĩ địa phương, chị mang con đến bệnh viện nhi của tỉnh khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao để được đánh giá chính xác và tư vấn biện pháp cải thiện phù hợp.

Trong khi đó, anh Minh Thanh – chủ cửa hàng bán xe máy ở TP HCM – cho biết đang rất lo lắng cho con trai 14 tuổi chỉ mới cao 1,50 m, thấp nhất lớp. Trước đó, con anh không lùn, phát triển hoàn toàn bình thường cả chiều cao lẫn cân nặng cho đến tuổi dậy thì, các bạn đều cao lớn phổng phao riêng con trai anh vẫn y như cũ. Đáng lo ngại hơn là cha mẹ đều có chiều cao tốt, mẹ trên 1,67 m và cha 1,80 m. Anh cho biết rất lo sợ con bị u tuyến giáp hay căn bệnh nào đó cản trở phát triển chiều cao nên đã cho con đi khám bác sĩ. Tuy nhiên, sau khi đo xương, bác sĩ phát hiện cậu bé dậy thì muộn và gia đình không có gì phải lo lắng.

Theo các bác sĩ nhi khoa, định nghĩa y khoa một đứa trẻ có tầm vóc thấp bé là chiều cao là lệch chuẩn hai mức dưới độ cao trung bình của độ tuổi và giới tính. Cứ 100 trẻ em trong độ tuổi đó thì có 3 trẻ sẽ bị thấp bé hơn mức bình thường. Tuy nhiên, mọi việc sẽ không quá nghiêm trọng nếu biểu đồ chiều cao con bạn phát triển theo đường thẳng song song với cân nặng và không di chuyển xuống dưới. Theo một nghiên cứu, chỉ có 1/5 những trẻ thấp bé xuất phát từ bệnh nào đó và nên được can thiệp y tế.

80% chiều cao là do di truyền

80% chiều cao là do di truyền

Cách dự đoán chiều cao tương lai của con bạn

Trẻ em dưới 2 tuổi có mức độ tăng trưởng chiều cao không ổn định nhưng nếu bắt kịp mức tăng trưởng trung bình, các con sẽ được hưởng mức chiều cao di truyền. Khoảng 80% chiều cao có được là do di truyền. Do đó, con lùn hay cao chủ yếu do cha mẹ.

Để dự đoán chiều cao sau này của một đứa trẻ, bác sĩ của bạn lấy thông tin về chiều cao của cha mẹ. Chiều cao của một người con trai trưởng thành tính bằng chiều cao của cha (tính bằng cm) cộng với (chiều cao của mẹ cộng 14 cm), sau đó chia hai. Chiều cao cuối cùng của một người con gái tính bằng (chiều cao của cha trừ đi 14) cộng với chiều cao mẹ rồi chia hai.

Nếu chiều cao dự kiến của một đứa trẻ nằm trong phạm vi 5 cm quanh chiều cao dự đoán này, tức là con không lùn, tốc độ tăng trưởng của chúng sẽ bình thường.

Một số trẻ tăng trưởng muộn chứ không bị lùn

Trong khi đó, một số trẻ em lại “nở” muộn (gọi là chậm phát triển thể chất) chứ không phải con bị lùn. Khi chụp X-quang xương (tay trái và cổ tay, rồi so sánh với những đứa trẻ khác cùng độ tuổi), các bác sĩ sẽ thấy sự chậm phát triển và có thể dậy thì muộn. Những đứa trẻ này thường tiếp tục phát triển khi những đứa trẻ khác đã dừng lại và bắt kịp chiều cao với các thành viên khác trong gia đình. Việc đánh giá chiều cao của trẻ có thể mất hàng tháng để theo dõi bằng các phép đo sự tăng trưởng tự nhiên tăng tốc vào mùa xuân và mùa hè.

Trong một số rất ít trường hợp, trẻ lùn do thiếu hụt hormone tăng trưởng và trong trường hợp này con cần được điều trị. Ngoài ra, có những nguyên nhân khác, bao gồm một số hội chứng di truyền.

Tuy nhiên, nhiều đứa trẻ lùn không phải dậy thì muộn, cũng không phải do di truyền, mà do thói quen ăn uống, sinh hoạt. Các bác sĩ cho rằng đa phần việc trẻ lùn điều này bắt nguồn từ việc con trẻ kén ăn, tiêu chảy, khó thở… Nếu bất kỳ điều gì khiến bạn lo lắng về sự phát triển của con, hãy đi khám bác sĩ.

Điều các bác sĩ lưu ý phụ huynh là nếu con bạn có chiều cao trong phạm vi dự đoán của cha mẹ hoặc ít hơn vài cm, hãy để trẻ phát triển tự nhiên, đừng nghĩ con lùn mà tự ý can thiệp thuốc men. Nghiên cứu cho thấy rằng một đứa trẻ dù có chiều cao thấp bé cũng sẽ có tâm lý vui vẻ, hạnh phúc nếu người lớn đối xử với chúng một cách tôn trọng, đúng lứa tuổi và đừng buông lời trêu chọc ác ý với con.

Theo Kim Thoa/SHTT&ST

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/bo-me-cao-kheu-nhung-con-lun-nhat-lop-nguyen-nhan-gay-bat-ngo/20200321050152942