Bộ máy vẫn cồng kềnh, sợ nhất là anh không muốn thay đổi!

'Mặc dù đã sáp nhập nhiều đơn vị, nhưng tôi có thể nói thẳng với anh rằng bộ máy nông nghiệp như hiện nay vẫn còn cồng kềnh, có thể sáp nhập tiếp, tinh giản hơn nữa chứ không cần nhiều đầu mối, đông người như hiện nay'.

Ông Trần Đình Toàn, nguyên PGĐ Sở NN-PTNT Ninh Bình là một trong số những người ủng hộ chủ trương sáp nhập các cơ quan, đơn vị trong ngành nông nghiệp.

Để chứng minh cho luận điểm của mình, ông lấy ví dụ: Kể từ thời điểm chia tách tỉnh, trải qua gần 30 năm, tổng số biên chế của Sở NN-PTNT Ninh Bình tăng lên gấp đôi. Trong khi đó, diện tích canh tác ngày càng ít đi; đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp; lao động nông nghiệp chuyển sang khu vực dịch vụ và công nghiệp. Đây là điều phi lý!

Ông Trần Đình Toàn (thứ 3 từ trái sang), nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình trong một lần thăm lúa

Tôi rất mừng vì một vài năm trở lại đây, ngành nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình đã thực hiện sáp nhập các đơn vị: Phòng Chăn nuôi nhập với Chi cục Thú y (thành Chi cục Chăn nuôi - Thú y); Phòng Trồng trọt nhập với Chi cục Bảo vệ Thực vật (thành Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật); Chi cục Thủy lợi nhập với Chi cục Đê điều (thành Chi cục Thủy lợi).

Sau khi sáp nhập, tất cả các đơn vị trên đều hoạt động trơn tru và hiệu quả, không hề có vường mắc gì. Thậm chí việc còn trôi chảy hơn. Bằng chứng là năm nay, lúa vẫn được mùa đỉnh cao; vật nuôi không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm; ngành thủy lợi, đê điều vẫn được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cái được lớn nhất trong việc thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị trong ngành nông nghiệp (như kể trên) là giảm được đầu mối. Không còn đơn vị trung gian (cấp phòng) như trước. Mọi sự chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan đều được chuyển trực tiếp xuống các chi cục để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, bộ máy cũng được tinh giản đáng kể.

Mặc dù đã sáp nhập nhiều đơn vị, nhưng tôi có thể nói thẳng với anh rằng bộ máy nông nghiệp như hiện nay vẫn còn cồng kềnh, có thể sáp nhập tiếp, tinh giản hơn nữa chứ không cần nhiều đầu mối, đông người như hiện nay.

Chẳng hạn như Trung tâm khuyến nông sáp nhập với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Trung tâm Giống nông nghiệp và Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao. Như vậy mới phù hợp với chủ trương mỗi cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chỉ có một đơn vị sự nghiệp công lập. Thời đại như hiện nay, không thể để tồn tại tư duy giữ bộ máy để hưởng lương ngân sách được.

Tôi lấy ví dụ, hiện nhiều tỉnh có Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn. Ở Ninh Bình, cơ cấu nhân sự của trung tâm này lên tới gần 30 người với đủ ban bệ từ Giám đốc, Phó Giám đốc, chế độ ô tô... trong khi đó nhiệm vụ được giao rất ít. Nếu sáp nhập thành một phòng của Chi cục Thủy lợi thì sẽ giảm được khá nhiều biên chế.

Còn ở cấp huyện, cần sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công như chăn nuôi, thú y, khuyến nông, bảo vệ thực vật thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện. Có ý kiến cho rằng, việc để các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện trực thuộc UBND huyện sẽ phá vỡ tính hệ thống ngành dọc của từng lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, thú y... dẫn đến việc quản lý, điều hành khó khăn hơn. Tôi không đồng tình với nhận định đó.

Tôi lấy ví dụ, trước đây các trạm khuyến nông đều trực thuộc UBND huyện (thời điểm 2003 - 2005), khi đó tôi đang làm Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn. Mọi hoạt động khuyến nông tôi vẫn chỉ đạo ngon lành và ngành khuyến nông đã thực hiện rất hiệu quả nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Sau này, khuyến nông huyện mới đòi trực thuộc Khuyến nông tỉnh để theo hệ thống ngành dọc.

Tức là việc sáp nhập hiện nay lại trở về "ngôi nhà xưa" thôi, có gì mới đâu, và không ảnh hưởng gì đến hoạt động của ngành khuyến nông cả. Nói thẳng ra là như vậy. Vì câu chuyển của tổ chức, của bộ máy suy cho cùng, đi đến tận cùng chẳng qua cũng là "nhập vào, tách ra" mà thôi.

Tôi cho rằng, trong quản lý nhà nước, hiệu quả và hiệu lực hoạt động không phụ thuộc nhiều vào việc anh tổ chức bộ máy theo ngành dọc hay ngang. Anh phải chỉ đạo bằng chủ trương, bằng văn bản giấy tờ, bằng mệnh lệnh hành chính từ cấp cao xuống cấp thấp. UBND cấp huyện là cơ quan quản lý nhà nước của địa phương nên chỉ đạo được hết.

Và, đừng nghĩ rằng UBND huyện không đủ năng lực để chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, bởi dưới UBND huyện còn có Phòng NN-PTNT, chính lãnh đạo phòng sẽ tham mưu cho lãnh đạo huyện là quản lý, sử dụng trung tâm như thế nào cho hiệu quả, phục vụ đắc lực cho ngành NN- PTNT huyện. Ở Ninh Bình, huyện nào chẳng có nông nghiệp, lãnh đạo huyện nào chẳng biết điều hành nông nghiệp, có xa xôi, mới lạ gì đâu.

Lại có ý kiến cho rằng, khi hình thành Trung tâm đa dịch vụ như Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (cấp huyện), rất khó có ông thủ trưởng nào đảm đương nổi trọng trách lớn này. Tôi cho rằng đây là quan điểm bao biện. Bởi dưới ông thủ trưởng bao giờ cũng có các ông phó phụ trách.

Giống như ở Sở NN-PTNT, chỉ có một ông giám đốc nhưng quản lý chung rất nhiều lĩnh vực, thế mà việc giải quyết công việc vẫn không vướng mắc gì, bởi ông ấy có các phó giám đốc phụ trách từng mảng rồi. Hay ông Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cũng thế, ông ấy có thể vừa chỉ đạo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, vừa chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, thủy sản, thú y rất hiệu quả.

Vậy nên đừng có sợ sáp nhập. Sợ nhất là anh không muốn thay đổi. Sợ nhất là sợ ở cái đầu. Trước hết, đừng quá lo lắng việc các Trung tâm Nông nghiệp huyện sẽ không nghe “lệnh” của cơ quan quản lý nhà nước. Bởi theo tôi, chưa thể để các Ttung tâm này hạch toán độc lập ngay lập tức mà phải có bước chuyển lâu dài theo lộ trình 10 - 15 năm. Mục tiêu đầu tiên của việc sáp nhập là giảm đầu mối, tinh giản bộ máy đã.

Tôi rất đồng tình với cách làm của ngành y tế, ở cấp tỉnh, họ sáp nhập 6 - 7 trung tâm lại với nhau để hình thành Trung tâm phòng, chống dịch bệnh có chết ai đâu. Không nên cố thủ giữ bộ máy để hưởng lương ngân sách.

MINH PHÚC (GHI)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bo-may-van-cong-kenh-so-nhat-la-anh-khong-muon-thay-doi-post231140.html