Bộ máy thượng tầng không thể có cá nhân cục bộ, bè phái

Muốn giúp chế độ được trường tồn và phát triển lành mạnh thì bộ máy kiến trúc thượng tầng không thể có con người mang tư tưởng cá nhân, cục bộ, bè phái và phục vụ cho nhóm lợi ích.

“Thận trọng, chặt chẽ, tập trung, dân chủ, công tâm, khách quan và tuyệt đối không được thiên vị” – đây là những yêu cầu về công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chính thức nêu lên tại cuộc họp mới đây về kế hoạch chuẩn bị quy hoạch nhân sự cho Đại hội khóa 13.

Đó là yêu cầu, là đòi hỏi cấp thiết, rốt ráo. Nếu như từng vị trí cán bộ cấp ủy viên trung ương mà không được lựa chọn đúng và trúng, bản thân họ không đủ năng lực, thiếu tầm nhìn thì sẽ ảnh hưởng lớn đến công việc của Đảng, Nhà nước, sự thành bại của sự nghiệp cách mạng.

Trong nghề làm báo, nhất là từ kinh nghiệm theo dõi 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây, tôi chứng kiến chuyện một số cán bộ nguồn chưa xứng đáng được chọn lựa để đưa vào quy hoạch dù lúc đầu họ không phải là người xấu hay quá kém.

Trong một số trường hợp, xuất phát từ lợi ích của cá nhân, với quyền lực có được, họ dễ dẫn đến chuyện lợi ích nhóm, có tác động, chi phối ngược lại với lợi ích chung.

Thực tế là trong thời gian mấy năm qua, có người trong số họ đã bị đào thải sau khi tham gia cấp ủy; thậm chí một số khác còn bị kỷ luật và mất chức. Có trường hợp bị miễn nhiệm ủy viên Bộ Chính trị, bị truy tố, lãnh án tù vì mắc sai phạm nghiêm trọng trong quá khứ công tác.

Vẫn còn có tình trạng con cháu, người thân của những người có quyền lực không đủ năng lực, không đủ phẩm chất mà vẫn được quy hoạch, hay nhảy cóc quy hoạch, được nâng đỡ tham gia chính trường.

Thực tế này đặt ra câu hỏi, làm gì để khắc phục?

Tôi cứ suy nghĩ, quy trình quy hoạch có thể vẫn đủ, vẫn đúng, song vấn đề là khi chọn nhân sự thì lại để lọt những người không xứng đáng do thiếu nhiều yếu tố, như ông Vũ Trọng Kim, người từng tham gia 4 khóa Trung ương, đã chỉ ra trên báo chí.

Ông nói rằng, về dân chủ thì chúng ta đã làm dân chủ trong nội bộ. Tức là quy định những người nào được giới thiệu, và bỏ phiếu kín, được thảo luận về nhân sự. Trong nội bộ ngành, địa phương cũng được tham gia.

Tuy nhiên, ông thẳng thắn chỉ ra: “Nhưng ở đó đã thực sự dân chủ chưa hay còn nể thủ trưởng, sợ uy tín của địa phương, của ngành mình để rồi không dám nói hết. Những người trong nội bộ của mình có sợ chiếc ghế của bản thân lung lay sau khi mình nói thẳng, nói thật không? Dân chủ trong nội bộ kiểu này là điểm cần phải hết sức lưu ý. Rồi sự né tránh, nể nang thường xảy ra trong thời gian trước đây ở nội bộ và việc phát hiện thường do bên ngoài cả. Nội bộ không phải không biết nhưng vì tư tưởng “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Vì thế phải làm công tác tư tưởng, quy định trách nhiệm của những người tham gia trong việc đề cử quy hoạch, bỏ phiếu quy hoạch, thực hiện nghiêm quy định về nêu gương”.

Ông Kim cũng lưu ý: “Có cách nào đó để nhân dân tham gia không? Nhân dân ở đây là thông qua những người đại diện, từ các tổ chức chính trị, xã hội không? Những người đại diện của nhân dân, thông qua tổ chức họ có thể tham gia một góc độ nào đó vào công tác nhân sự”.

Ông Kim cho rằng, ít nhiều những tiếng nói đó sẽ thể hiện sự trung thực bởi họ không có quyền lợi, không gắn bó với đồng lương, lợi ích, đây là tiếng nói đầy đủ, trung thực, trong sáng.

Vì thế ông gợi ý: “Vậy dân chủ đó cũng nên mở ra ở một mức độ nhất định. Dân chủ bên trong, dân chủ bên ngoài… Có thế mới không để sót những người tài và để lọt những người không xứng đáng tạo ê kíp, bè phái.”

Công tác quy hoạch nhân sự cho Đại hội 13 là vô cùng quan trọng. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Chọn cho được người có đủ đức, tài đưa vào diện quy hoạch chiến lược nhiệm kỳ tới, theo tôi cần căn cứ vào những thành công và cả hạn chế, khuyết điểm, nếu có, của nhân sự được nằm trong “tầm ngắm” .

Chẳng hạn, anh là lãnh đạo ngành, địa phương, thì cần chỉ ra những thành công mà anh có được với tư cách là người lãnh đạo. Nếu là lãnh đạo ở cấp bộ, ngành thì anh đã giúp gì cho Đảng, Chính phủ về chiến lược phát triển của ngành chưa, có xóa bớt thủ tục hành chính, giảm bao nhiêu giấy pép con vô lý; nếu là lãnh đạo địa phương thì nên căn cứ vào sự tiến bộ của địa phương đó thông qua, ví dụ, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); nếu là doanh nghiệp nhà nước thì hiệu quả của doanh nghiệp đó thế nào, đóng thuế ra sao.

Việc trước đây, chúng ta còn để xảy ra những lỗ hổng nhân sự, phải thừa nhận đó là khuyết điểm của những người được cầm lá phiếu khi họ được đảng viên và nhân dân tin tưởng giao phó mà chưa làm tròn bổn phận của mình trước Đảng, trước dân. Tiếc rằng, chúng ta vẫn phải tôn trọng lá phiếu đa số.

Muốn giúp chế độ được trường tồn và phát triển lành mạnh thì bộ máy kiến trúc thượng tầng không thể có con người mang tư tưởng cá nhân, cục bộ, bè phái và phục vụ cho nhóm lợi ích.

Để làm tốt công tác quy hoạch dịp này, nên chăng Bộ Chính trị, Ban bí thư và Ban chấp hành Trung ương cần rà soát kỹ càng đề án nhân sự trên tinh thần không bỏ sót người thực tài, có chính kiến, có đóng góp tốt trong nhiệm kỳ đã qua dù có thể quá tuổi.

Ở góc độ khác, không nên cứng nhắc tìm người trẻ mà tư duy lại cằn cỗi, bảo thủ hay những người tròn vo, kém đấu tranh khi cần bảo vệ cái đúng vì nhiều khi chính họ lại cản trở bước tiến của xã hội.

Quốc Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/bo-may-thuong-tang-khong-the-co-ca-nhan-cuc-bo-be-phai-496592.html