Bỏ mạng từ những chai rượu pha cồn

Lãnh đạo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã lên tiếng cảnh báo sự gia tăng của tình trạng ngộ độc methadol trong thời gian gần đây khi các ca nhập viện liên tiếp diễn ra với tình trạng rất nặng.

Bệnh nhân ngộ độc methanol đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân ngộ độc methanol đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Tử thần gõ cửa

Từ đầu tháng 7 đến nay tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị cho 7 bệnh nhân ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) trong tình trạng rất nặng.

Trao đổi với phóng viên, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 7 bệnh nhân vào cấp cứu phần lớn là nam giới, có tiền sử nghiện rượu, đã uống rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc.

Những bệnh nhân này được đưa đến viện trong tình trạng rối loạn ý thức, lơ mơ hoặc hôn mê, toan chuyển hóa nặng, xét nghiệm thấy nồng độ methanol trong máu cao, có trường hợp lên tới gần 200 mg/dL (vượt xa nồng độ gây ngộ độc nặng).

Điển hình nhất, theo bác sỹ Nguyên, là bệnh nhân Nguyễn Văn Ch. (52 tuổi, ở Hà Nội), được đưa đến Trung tâm Chống độc ngày 2/8 trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Đặc biệt, kết quả chụp MRI cho thấy bệnh nhân tổn thương sọ não nặng. Sau 2 ngày điều trị tích cực, tình trạng của bệnh nhân không có chuyển biến và tăng nặng nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà chuẩn bị hậu sự.

Trước đó, theo lãnh đạo Trung tâm Chống độc, cơ quan này đã từng tiếp nhận trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687 mg/dL, bệnh nhân tử vong. Hoặc không ít ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não… Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

“Vào đầu năm 2017, vụ ngộ độc rượu pha methanol tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu làm 8 người tử vong là một bài học điển hình”, chuyên gia này lo ngại.

Cảnh báo về tác hại khi sử dụng rượu chứa methanol, theo bác sỹ Nguyên, sau khi cồn methanol thâm nhập vào cơ thể, phải mất ít nhất 8 tiếng và đa phần là 1-2 ngày sau thì cơ thể mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt của ngộ độc như mờ mắt, lơ mơ, lẫn lộn, thở nhanh và thở sâu như bị khó thở, co giật và dần hôn mê.

“Khi các triệu chứng đã biểu hiện rõ như vậy thì đã quá muộn. Bởi lúc này, bệnh nhân đã bị tổn thương mắt dẫn đến mờ mắt và thậm chí là mù mắt vĩnh viễn; não bị hoại tử”, bác sỹ Nguyên nhấn mạnh.

Cũng lo lắng về tác hại của methnol với sức khỏe con người, ông Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, các nghiên cứu cho thấy, methanol bình thường ở ngưỡng 20 mg/dl đã đe dọa tổn thương thần kinh, trên 40 mg/dl là ngộ độc nặng cho người dùng.

Còn theo quy chuẩn, nồng độ methanol trong cồn 100 độ cho phép 300 mg/lít. Nếu pha 1 lít cồn công nghiệp thành 3 lít rượu có nồng độ 33% thì hàm lượng methanol trong rượu là 100 mg/lít rượu. Do đó, nếu sử dụng cồn công nghiệp để pha rượu sẽ rất nguy hiểm, gây ngộ độc, thậm chí tử vong cho người sử dụng.

Chú ý nguồn gốc, nhãn mác

Để xảy ra tình trạng nhiều ca ngộ độc rượu methanol thời gian qua, các chuyên gia đều cho rằng đó là do cồn công nghiệp methanol vẫn đang trôi nổi trên thị trường, trong các quán ăn, nhà hàng mà chưa được kiểm soát tốt. Trong khi đó, người dân rất khó để biết ngộ độc methanol. “Hơn nữa, rượu mua về uống thường có thể bị pha lẫn cả ethanol và methanol. Chỉ có nhân viên y tế mới đưa ra được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol", bác sỹ Nguyên cho hay.

Theo ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, về nguyên tắc, nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa hàm lượng methanol cao hay không.

Đối với cảm quan bên ngoài thì chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất, tên địa chỉ của nhà sản xuất hay nhập khẩu. Việc phân biệt methanol và rượu hay cồn y tế (thành phần chính là Ethanol) bằng cảm quan bên ngoài là rất khó. Chỉ có một điểm là khi uống rượu có pha methanol sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường.

“Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần sử dụng rượu có nguồn gốc, rượu của những cơ sở có thương hiệu uy tín và không sử dụng những loại rượu trôi nổi trên thị trường”, đại diện Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo.

Về phía chuyên gia, lãnh đạo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị các cơ quan chức năng cần có những phương án quyết liệt hơn nữa trong các khâu quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, quản lý hóa chất cồn công nghiệp, nhằm ngăn chặn tình trạng ngộ độc methanol do uống rượu được pha chế từ cồn công nghiệp đang báo động như hiện nay.

“Ngộ độc methanol nếu được điều trị kịp thời thì sẽ rất đơn giản, các bác sỹ chỉ cần lọc máu, sử dụng thuốc giải độc là có thể chữa khỏi, thậm chí còn không để lại tổn thương gì trên cơ thể bệnh nhân”, bác sỹ Nguyên chia sẻ.

Tuy nhiên ở nước ta do hầu hết bệnh nhân không biết bản thân bị ngộ độc methanol nên đến viện khi đã muộn. Chính vì không được điều trị kịp thời, nên tỷ lệ tử vong của các ca bệnh này là rất cao.

Cụ thể, tại Trung tâm Chống độc, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân ngộ độc methanol là xấp xỉ 30%. Ở các cơ sở y tế tuyến dưới, con số này thậm chí còn lên đến 50%. Trong trường hợp bệnh nhân được cứu sống thì cũng sẽ chịu những di chứng nặng nề đến hết đời.

“Do vậy, để phòng tránh ngộ độc rượu có methanol, người dân cần hạn chế uống rượu và chọn uống các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng”, chuyên gia khuyến cáo.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/bo-mang-tu-nhung-chai-ruou-pha-con-131975.html