Bỏ mạng oan nơi xứ người

Nhiều lao động Việt Nam đã tham gia xuất khẩu lao động trái phép thông qua những con đường như: đi du lịch, thăm người thân hay kết hôn giả… với tham vọng đổi đời mà không hay biết có nhiều rủi ro đang chờ sẵn trên con đường này.

Như chúng tôi từng đưa tin, đầu tháng 12-2016, 2 lao động Việt Nam cư trú tại tỉnh Huambo, Angola bị một nhóm cướp tấn công khiến 1 người tử vong, người còn lại bị thương nặng. Trước đó, hồi đầu tháng 3-2016, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola cũng đăng thông báo về việc 2 lao động Việt Nam đang làm việc tại tỉnh Uige, Angola bị cướp bắn tử vong.

Cuộc sống chui lủi, khổ cực

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), ngay khi có thông tin về việc lao động Việt Nam tử vong tại Angola, Cục đã yêu cầu các công ty xuất khẩu lao động rà soát danh sách lao động đã phái cử.

Kết quả cho thấy, những lao động nêu trên đã sang Angola không qua kênh chính thức của các công ty xuất khẩu lao động có giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Đối với những người lao động "chui", bất hợp pháp, không có giấy tờ như vậy, rất khó nhận được sự bảo hộ của pháp luật. Thậm chí, để đưa được thi thể về, gia đình nạn nhân phải bỏ ra một số tiền rất lớn trong khi đó gia cảnh của họ hầu hết đều rất khó khăn…

Lao động "chui" tại nước ngoài phần lớn phải làm các công việc nặng nhọc, bẩn thỉu

Lao động "chui" tại nước ngoài phần lớn phải làm các công việc nặng nhọc, bẩn thỉu

Theo báo Biên phòng, đa phần các công dân Việt Nam lao động "chui" đều có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện nghèo khó do không có công ăn việc làm ổn định, nên bị rủ rê vượt biên sang làm thuê ở những xưởng sản xuất, ngoài đồng mía, phụ hồ... Khi bị phát hiện nhập cảnh trái phép, người lao động có khả năng sẽ bị giam giữ, bắt phải lao động công ích rồi mới được trao trả về nước.

Nhìn chung, công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép làm thuê tuy có thu nhập cao hơn trong nước, nhưng công việc này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro mà người lao động phải gánh chịu, do xuất cảnh trái phép nên không được pháp luật bảo hộ, phải sống chui lủi để trốn tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng nước sở tại, điều kiện ăn uống, sinh hoạt kham khổ, làm việc với cường độ cao.

Đặc biệt, khi người lao động gặp rủi ro đều không được hưởng bất cứ một quyền lợi nào. Việc người dân đi lao động chui bằng cách vượt biên trái phép qua biên giới không chỉ vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và quy chế biên giới, mà còn gặp nhiều rủi ro đáng tiếc khi lao động ở nước ngoài.

Bị lừa, ăn chặn tiền công

Bên cạnh những rủi ro trên, nhiều trường hợp người lao động bị cò mồi, môi giới đưa người đi lao động trái phép đánh đập, ăn chặn tiền công...

Theo Dân trí, năm 2016, cũng như nhiều gia đình khác ở vùng bãi ngang miền Trung, gia đình anh Nguyễn Văn Ba, trú tại thôn Thượng Đức (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), chịu ảnh hưởng nặng nề do sự cố môi trường biển. Không có vốn liếng để đi xuất khẩu lao động tại các thị trường truyền thống như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…, anh Ba và vợ - chị Lê Thị Hằng nghe lời ngon ngọt môi giới sang Trung Quốc lao động.

Vợ chồng anh Ba, chị Hằng đành trở về tay trắng sau 2 năm lao động “chui” ở Trung Quốc

Cuộc sống xa quê, thu nhập bấp bênh, khi vợ chồng anh gửi tiền tích cóp về nước thì bị bọn môi giới ăn chặn đủ đường. Cuối năm 2017, bố đẻ qua đời thì vợ chồng anh Ba quyết định khăn gói trở về, quay lại với nghề cũ là chèo thuyền thúng đánh cá trên biển trang trải hàng ngày nuôi con.

Cùng chung hoàn cảnh, chị Trần Thị Lệ (xã Hưng Trạch) cho biết, do làm ruộng không đủ nuôi con, chị tin lời bọn cò mồi, chạy vạy đi vay mượn đủ 15 triệu đóng tiền làm lộ phí. Nơi xứ người, chị phải quần quật làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày trong xưởng sơn, xưởng gỗ với điều kiện ăn ở bẩn thỉu. Sợ lao động bỏ trốn, chủ xưởng luôn lấy cớ nợ tiền lương, không trả.

Nói không với đường "tiểu ngạch"

Xuất khẩu lao động là lựa chọn của nhiều người với mong muốn thoát khỏi cuộc sống nghèo túng. Nhà nước cũng có những chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin nghe theo những lời đường mật của những kẻ môi giới, nhiều lao động rơi vào cảnh sống chui lủi, trốn tránh pháp luật, đôi khi là mất cả mạng sống.

Mặc dù thị trường lao động nước ngoài có tiềm năng lớn, giúp tăng thu nhập cho người dân, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động lại rất thận trọng khi khai thác bởi tình hình an ninh phức tạp. Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương khuyến cáo, lao động "chui" tại mọi quốc gia gặp rất nhiều rủi ro thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

Chính vì vậy, người lao động chỉ nên đi làm việc tại nước ngoài thông qua các doanh nghiệp đã được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép và có hợp đồng xuất khẩu lao động. Ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp này, người lao động sẽ được pháp luật cũng như doanh nghiệp hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong thời gian làm việc tại nước ngoài.

Người lao động không nên xuất khẩu lao động trái phép theo kênh không chính thức để tránh nguy cơ những rủi ro không đáng và không được pháp luật bảo vệ.

Minh Hạnh (Báo An ninh Thủ Đô) tổng hợp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/bo-mang-oan-noi-xu-nguoi-20181229073645958.htm