Bộ luật Lao động (sửa đổi): Chuyển từ 'có thể nghỉ hưu' sang 'có quyền nghỉ hưu'

Với nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung, Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã chuyển từ 'có thể nghỉ hưu' sang 'có quyền nghỉ hưu'

Ngày 29-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã trình bày Tờ trình về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đây là Dự án luật được dư luận đặc biệt quan tâm trong suốt thời gian qua, đặc biệt là các quy định liên quan đến việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này nhằm thể chế hóa yêu cầu Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đó là, từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, Chính phủ đã xây dựng 2 phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trước Quốc hội ngày 29-5. Đây là lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến đối với Dự án luật này. Ảnh Quochoi.vn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trước Quốc hội ngày 29-5. Đây là lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến đối với Dự án luật này. Ảnh Quochoi.vn

Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với Phương án 1, thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn Phương án 1: tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).

“Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Thẩm tra về nội dung này, ý kiến cơ quan thẩm tra - Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. Tuy nhiên lại chưa làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ quan điểm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, các biện pháp đặc biệt tạm thời theo tinh thần Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). “Khoảng cách tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động, điều kiện lao động của những nhóm lao động khác nhau và liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác”, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nói.

Để có đủ thông tin trình Quốc hội xem xét, thảo luận, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 với nam, 60 với nữ trên các yếu tố: Tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và BHXH; các yếu tố ảnh hưởng khác. Đồng thời đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực khi ghi nhận “có quyền nghỉ hưu” thay cho việc “có thể nghỉ hưu”; đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan.

Ý kiến cơ quan thẩm tra cũng để nghị Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi, nhất là của đối tượng chịu sự tác động để lựa chọn được phương án tối ưu, có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán. Rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm.

Theo chương trình, chiều 12-6, Quốc hội sẽ thảo luận ở Hội trường về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bo-luat-lao-dong-sua-doi-chuyen-tu-co-the-nghi-huu-sang-co-quyen-nghi-huu-149982.html