'Bộ lọc' bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Những 'mối nguy' mà trẻ em có thể gặp phải trên không gian mạng là vấn đề đã được dư luận đề cập từ lâu.

Trong thực tế, những "mối nguy" này đã hiện hữu, khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo ngại. Nhiều trẻ em không chỉ bị tác động tâm lý bởi những video phát tán một cách thiếu kiểm soát, trong đó có không ít video mang nội dung phản cảm, được "sản xuất" bởi những tay "giang hồ mạng", mà còn bị tác động bởi những nội dung nguy hiểm, trong đó có loạt video "hướng dẫn" về cách… tự sát theo trào lưu "thử thách Momo" nổi đình nổi đám hồi đầu năm 2019 – được cho là "thủ phạm" dẫn tới trường hợp một bé gái ở quận Tân Phú (TP.HCM) tử vong gần đây.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Câu chuyện về 4 trẻ em ở một tỉnh miền núi phía Bắc bị ngộ độc vì ăn thịt cóc cũng được cho là bắt chước theo một video trên YouTube.

Trước tình hình đó, việc cung cấp kiến thức, kỹ năng về tiếp cận internet; cách tự vệ trước những mối nguy trên không gian mạng cho trẻ em ngay từ trên ghế nhà trường, ở tất cả các bậc học, được xác định là cấp bách. Để giải quyết một cách căn cơ vấn đề này, trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm 9/11, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng sẽ được ban hành trong năm 2020, trong đó lồng ghép thỏa đáng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường internet.

Bộ quy tắc này đã được các bậc cha mẹ chờ đợi từ rất lâu, nhất là khi các nền tảng chia sẻ video "khổng lồ" gần đây vấp phải nhiều chỉ trích vì để lọt những video có nội dung độc hại hướng đến đối tượng tiếp nhận là trẻ em. Nó được kỳ vọng sẽ là công cụ để tạo một "bộ lọc" để loại trừ những yếu tố độc hại, nguy hiểm đối với trẻ em khi tiếp cận với không gian mạng. Nhờ đó mà phụ huynh không chỉ kiểm soát được những nội dung mà con cái mình mở trên mạng, mà còn ngăn chặn những nội dung độc hại, không cho chúng "tiếp cận" với trẻ em một cách "tự do" như hiện nay.

Tuy nhiên, việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử nói trên thực tế cũng chỉ giúp giải quyết một phần của vấn đề. Trước khi có Bộ quy tắc ứng xử này, Luật An ninh mạng đã có hiệu lực, đã xử lý được nhiều tài khoản, trang mạng nhảm nhí, phản cảm. Nhưng có sử dụng hết các chế tài của luật hay không còn phụ thuộc vào sự quyết liệt của cơ quan chức năng. Việc xử phạt, gỡ bỏ nội dung độc hại trên không gian mạng cũng chỉ là xử lý phần ngọn. Vấn đề còn lại thuộc về gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội và cơ quan chức năng trong nỗ lực cung cấp kiến thức, kỹ năng về tiếp cận internet; cách tự vệ trước những mối nguy trên không gian mạng cho trẻ em ngay từ trên ghế nhà trường, ở tất cả các bậc học.

Nếu gia đình, nhà trường không bám sát cuộc sống của trẻ, nắm bắt mọi diễn biến một cách nhanh nhạy, không giáo dục cho trẻ những kiến thức và kỹ năng cần thiết, thì những văn bản mang tính hành chính của cơ quan quản lý Nhà nước cũng khó lòng phát huy tác dụng, trẻ em vẫn sẽ khó thoát khỏi cám dỗ của những "viên đạn bọc đường" – các nội dung độc hại trên không gian mạng!

BẢO KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bo-loc-bao-ve-tre-em-tren-khong-gian-mang-20201113162257449.htm