Bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng - Chuyện không chỉ ở vùng sâu vùng xa

Bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng (MOV) theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới là bất cứ trường hợp nào (bao gồm trẻ em và người lớn) đủ tiêu chuẩn để tiêm chủng (chưa được tiêm/tiêm chưa đủ mũi và không có chống chỉ định) đã tới cơ sở y tế mà lại không được tiêm mũi tiêm mà lẽ ra họ phải được nhận.

Với mục tiêu tăng tỉ lệ bao phủ của tiêm chủng, mục tiêu giảm đến mức tối đa các trường hợp bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng thông qua việc tăng cường chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là tiêm chủng phối hợp với các chương trình y tế khác là vô cùng cần thiết.

Lý do gì cho việc bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng?

Trong thực tế, việc bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng xảy ra thường xuyên ở hầu hết các địa phương. Lý do chính bao gồm:

Đánh giá sai trong khâu sàng lọc đối tượng tiêm chủng dẫn đến việc hoãn tiêm không hợp lý. Đơn cử một ví dụ trong trường hợp này là việc không tiêm cho trẻ có cân nặng khi sinh dưới 2.500g ở khá nhiều bệnh viện khi triển khai vắc-xin viêm gan b (VGB) trong 24 giờ đầu. Thực tế là quy định của Bộ Y tế chỉ giới hạn mức 2.000g thay vì 2.500g trong phiếu sàng lọc nhưng do sự cẩn thận quá mức của cán bộ y tế, mức sàng lọc được nâng lên 2.500g đã làm khoảng 10-20% số trẻ sinh ra bị mất cơ hội tiếp cận với vắc-xin VGB 24h, vắc-xin quan trọng trong việc dự phòng lây nhiêm VGB từ mẹ sang con và từ những người tiếp xúc, chăm sóc cho trẻ.

Không để trẻ bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng.

Sự nhận thức về vấn đề chống chỉ định tiêm vắc-xin của cả bố mẹ trẻ cũng như cán bộ y tế. Có khá nhiều người chưa hiểu đúng về chống chỉ định của vắc-xin giả dụ như vắc-xin BCG cần chống chỉ định đối với người suy giảm miễn dịch hoặc mắc hội chứng AIDS trong khi không hề có chống chỉ định với người mang HIV. Việc đưa ra những chống chỉ định như vậy làm trẻ mất đi cơ hội phòng một trong những bệnh nguy hiểm trong giai đoạn đầu đời.

Thiếu vắc-xin, vấn đề muôn thuở của hệ thống. Sự không sẵn sàng trong khâu cung ứng cũng như dự phòng trước các tình huống có thể xảy ra dẫn tới kết quả thiếu vắc-xin cục bộ làm gián đoạn công tác tiêm chủng. Việc thiếu vắc-xin còn thể hiện bởi việc chỉ sử dụng lịch tiêm hàng tháng thay vì tiêm bất cứ khi nào đủ điều kiện. Trái ngược với vắc-xin ngoài TCMR, vắc-xin trong TCMR thường đóng lọ nhiều liều và không bảo quản thường xuyên tại trạm y tế nên chỉ có thể sử dụng lịch tiêm hàng tháng nên không thể đảm bảo duy trì tỉ lệ tiêm tối đa như mong muốn. Chỉ cần trẻ có dấu hiệu sức khỏe không phù hợp trong ngày tiêm chủng là trẻ đó sẽ bị nhỡ 1 tháng so với lịch khuyến cáo. Trong một số trường hợp đặc biệt, có những trẻ đã bị nhỡ 4-5 tháng không được tiêm chính bởi sự cứng nhắc này trong việc bố trí ngày tiêm chủng.

Sự bố trí cứng nhắc trong công tác khám chữa bệnh và dự phòng cũng là nguyên nhân ngăn cản tiếp cận với vắc-xin. Có một số bệnh nhân đến khám bệnh được phát hiện cần tiêm vắc-xin như những trường hợp bị thương hay bị chó cắn. Họ được chỉ định tiêm nhưng phải đến cơ sở dự phòng để tiêm phòng dại hoặc tiêm phòng uốn ván nên một số người đã không chọn giải pháp tiêm chủng (ví dụ chỉ tiêm SAT thay vì tiêm vắc-xin uốn ván). Hiện nay một số cơ sở chữa bệnh cũng đã có phòng tiêm chủng là bước đầu cho việc thay đổi này từ đó khi bệnh nhân đến khám bệnh, họ có thể được chỉ định tiêm vắc-xin kịp thời nếu được phát hiện là cần phải tiêm. Việc tiêm tại bệnh viện góp phần hỗ trợ công tác dự phòng hai bệnh nói trên tại cộng đồng.

Cha mẹ hoặc cộng đồng phản đối tiêm chủng. Ngày nay có rất nhiều cộng đồng nói không với tiêm chủng. Trên các mạng xã hội cũng có nhiều tổ chức chống lại việc tiêm chủng. Điều này không chỉ xảy ra với một vài quốc gia mà là tình trạng chung toàn cầu khi bệnh đã được đẩy lùi và người ta chỉ quan tâm đến vấn đề an toàn trong tiêm chủng. Đã có nhiều bài viết liên quan đến nội dung này và rõ ràng là khi dịch bệnh xảy ra, những cộng đồng này là đối tượng gánh chịu hậu quả đầu tiên khi dịch tràn qua.

Cũng bị bỏ lỡ tại các đô thị lớn

Để đánh giá mức độ thực sự của việc bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng, rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành và ngoài những nguyên nhân nêu trên, việc chỉ ra những vùng nguy cơ thiếu hụt tiêm chủng cũng định hướng giúp chương trình TCMR tăng tỉ lệ bao phủ thông qua giảm thiểu bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng tại từng địa phương bao gồm cả ở những vùng đô thị tưởng như dễ dàng. Trái với vấn đề tiếp cận khó khăn của đồng bào miền núi; cư dân tại các đô thị lớn cũng có vấn đề với việc bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng. Trong một cuộc điều tra tại đô thị lớn cho thấy có tới 60% trẻ bị bỏ sót trong chiến dịch tiêm chủng do bởi lý do số 1 nêu trên.

Những giải pháp

Đối mặt với thực tế trên, đã có nhiều giải pháp cho cả miền núi và các khu đô thị. Với khu vực miền núi, việc tăng cường tiêm ngoài trạm với vùng khó tiếp cận là cần thiết, đồng thời giảm số liều trong lọ, sử dụng các hình thức tiêm chủng tiên tiến hơn như tiêm bằng miếng dán, sử dụng vi kim và bảo quản vắc-xin tại trạm để tiêm ngay khi tiếp cận được đối tượng là giải pháp tối ưu nhất. Với khu vực đô thị, sự thay đổi lịch tiêm mà Hà Nội hiện đang tiến hành hiện nay (đổi từ tiêm hàng tháng sang tiêm hàng tuần) đã làm tăng khả năng tiếp cận với vắc-xin của người dân. Tuy nhiên với sự thay đổi này, hao phí vắc-xin tại Hà Nội cũng là vấn đề cần những giải pháp thực tế hơn nhằm nhân rộng mô hình này ra cả nước.

Bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng là vấn đề lớn cần phải có giải pháp tổng thể mới có thể giải quyết được, tuy nhiên trong điều kiện có thể, kiến thức và thực hành của cán bộ y tế đặc biệt là cán bộ tiêm chủng tại tất cả các tuyến về việc bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng sẽ giúp giảm thiểu tối đa sự mất cơ hội tiêm chủng cho trẻ trong khi chúng ta cần giải pháp đồng bộ từ Chính phủ trong việc phê duyệt các chiến lược mới về cung ứng vắc-xin, chủng loại vắc-xin, thiết bị và kinh phí thực hiện cho tiêm chủng.

Bài và ảnh: TS. BS. Phạm Quang Thái

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/bo-lo-co-hoi-tiem-chung-chuyen-khong-chi-o-vung-sau-vung-xa-n146352.html