Bộ LĐTB&XH: Tiền lương sẽ điều chỉnh theo cơ chế thị trường

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ đảm bảo doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, sẽ được tự quyết định chính sách tiền lương, thang, bảng lương, định mức lao động.

Buổi đối thoại giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Ảnh: TD

Đây là thông tin được ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đưa ra tại buổi đối thoại về lao động và bảo hiểm xã hội với các doanh nghiệp Hàn Quốc diễn ra chiều 9-8 tại Hà Nội.

“Nhà nước sẽ dần hạn chế can thiệp vào tiền lương của doanh nghiệp”, ông Diệp nói. “Tiền lương tại doanh nghiệp sẽ dựa trên thương lượng và thỏa thuận theo cơ chế thị trường".

Theo quy định hiện hành, tiền lương trong doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương phải ít nhất 5%; mức lương đối với công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng; mức lương công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5% hoặc 7% mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường.

Quy định này, theo nhiều doanh nghiệp, can thiệp vào quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của họ.

Cũng tại buổi đối thoại, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH cho hay, trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động có đưa ra một số nội dung mới liên quan tới tiền lương.

Hiện nay, Hàn Quốc là một trong những nước đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Hàn Quốc, ngoài đầu tư vào các lĩnh vực thâm dụng lao động, còn đầu tư vào các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao như điện tử, tài chính ngân hàng, bất động sản.

Theo đó, tiêu chí xác định tiền lương tối thiểu sẽ bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế xã hội. Trong khi quy định hiện nay, tiền lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng, quy định tổng số giờ làm thêm tối đa mỗi năm 200 giờ và 300 giờ trong những trường hợp đặc biệt hiện nay là rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore… Đồng thời các doanh nghiệp đề nghị nên nâng thời gian làm thêm tối đa mỗi năm lên 600 giờ/năm.

Ông Thiện cho hay, nếu tính riêng số giờ làm thêm thì con số này ở Việt Nam thuộc mức trung bình thấp so với khu vực. Nhưng nếu tính tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn (Việt Nam quy định 48 giờ/tuần) và thời gian làm thêm tối đa thì tổng số giờ làm việc của Việt Nam cũng không phải thấp so với các nước như Indonesia, Thái Lan, Singapore.

Tuy nhiên, trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ LĐTB&XH vẫn đề xuất số giờ làm thêm tối đa là 400 giờ/năm. "Quyết định cuối cùng thuộc về các đại biểu Quốc hội", ông Thiện nói.

Dự kiến, Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét vào tháng 5-2019 và thông qua vào tháng 10-2019.

Thùy Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276851/bo-ldtbxh-tien-luong-se-dieu-chinh-theo-co-che-thi-truong.html