Bộ LĐ-TB&XH tham mưu kịp thời chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19

'Trong 6 tháng đầu năm 2020, chúng ta gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm, cách làm sáng tạo, về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Quan trọng hơn, dư luận xã hội đồng tình, niềm tin của người dân với Đảng và Nhà nước tăng cao thông qua chính sách hợp lòng dân, có tình và có lý'.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội sáng 16-7. Hội nghị do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.

Điểm qua tình hình 6 tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội, gây ra tình trạng thất nghiệp, mất việc, tạm ngừng việc khá cao. Chưa có thời điểm nào tỷ lệ thất nghiệp tăng cao như vậy, tới nay, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 2,56 %. Trong khi đó, con số này chỉ là 1,98 % vào cuối năm 2019.

Số ngưng việc, các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể gia tăng nhất là khu vực du lịch, dịch vụ, hàng không, ăn uống, lao động tự do. Quy mô lao động từ 55,4 triệu người xuống còn khoảng 52 triệu. Điều đáng lo là bên cạnh việc đứt chuỗi cung ứng nguyên vật liệu còn tình trạng sản xuất ra hàng hóa nhưng không xuất khẩu được. Tình trạng ngừng việc đã xuất hiện ở doanh nghiệp nhỏ. Nếu không xử lý nhanh, tình trạng ngừng việc, mất việc sẽ xuất hiện ở các doanh nghiệp lớn, thậm chí là doanh nghiệp FDI...

Trong bối cảnh đó, cùng với quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch, kiến nghị nhiều biện pháp về lao động, việc làm để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động. Đặc biệt Bộ đã đề xuất ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Mạnh Dũng

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Mạnh Dũng

Đến nay các địa phương đều đã triển khai gói hỗ trợ và đã phê duyệt 15,8 triệu người được hưởng chính sách với xấp xỉ 18 nghìn tỷ. Tính đến ngày 13-7, Kho bạc Nhà nước đã giải ngân gần 11,6 nghìn tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ hơn 11,5 triệu người và 9.425 hộ kinh doanh.

Các địa phương cũng như Trung ương đã rất năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Các địa phương dù gặp phải nhiều khó khăn song đã khẩn trương, tập trung thực hiện các giải pháp, chương trình, đề án, chính sách về lao động, giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực, trợ giúp xã hội, giảm nghèo... góp phần ổn định, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Về phía đoanh nghiệp, người lao động đã cố gắng cùng nhau chia sẻ khó khăn.

Cho tới thời điểm này, thị trường lao động Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp đăng ký mới hoặc trở lại hoạt động sau thời gian dài tạm ngừng do giãn cách xã hội đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động (theo ước tính, từ tháng 5-2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000 đến 80.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại địa phương).

Có những ngành tưởng chừng khó khắc phục nhất như hàng không ở thời điểm cao điểm của dịch, 98% lao động hàng không nghỉ việc. Từ 500 chuyến bay/ngày chỉ còn 7 chuyến thì đến nay cơ bản khôi phục sử dụng các đường bay nội địa và đang từng bước nới dần các đường bay quốc tế. Dự báo thị trường lao động quý III sẽ tốt hơn, đạt mức khoảng 55,4 triệu người.

Bên cạnh đó, nhiều quy định về việc thực hiện tạm dừng đóng BHXH đã sớm được triển khai, thực hiện các chính sách BHTN trên 6.000 tỷ đồng, bằng 180% so với cùng kỳ năm trước. Các chính sách khác của Bộ cũng được hiện đồng bộ, như công tác người có công, việc làm, giảm nghèo, bảo vệ trẻ em... đã có nhiều chuyển biến tốt. Đặc biệt, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã có những điều chỉnh uyển chuyển trong triển khai đào tạo trực tuyến.

“Càng khó khăn, chúng ta càng quyết tâm, có những cách làm sáng tạo và đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh khủng hoảng cả thế giới điêu đứng, hầu hết quốc gia tăng trưởng âm, việc chúng ta duy trì được tăng trưởng 1,81% có thể xem là một kỳ tích”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, 6 tháng cuối năm 2020, toàn ngành LĐ-TB&XH kiên trì, kiên quyết thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, theo dõi sát sao tình hình diễn biến của dịch bệnh, các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ để có các giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch năm 2020 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội kịp thời hiệu quả.

Trong đó nỗ lực cao nhất duy trì thị trường lao động, đi đôi với ổn định an sinh xã hội. Chú trọng công tác xây dựng thể chế, hoạch định chính sách, hoạch định những chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42/NQQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, sắp tới sẽ có những điều chỉnh về NQ 42/2020/NQ-CP và QĐ 15/2020/QĐ-TTg theo hướng thêm đối tượng nhưng không để nguồn kinh phí chi vượt mức.

Bộ trưởng cũngg lưu ý việc cần làm tốt công tác tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, đẩy nhanh việc khắc phục tình trạng bia mộ liệt sỹ vô danh, tiếp tục gói an sinh 62.000 tỷ đồng có hiệu quả, công tác triển khai và giám sát trên toàn quốc…

Sau phần khai mạc, Hội nghị đã nghe các địa phương thông tin về những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó thảo luận đề xuất giải pháp tháo gỡ để triển khai tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Dự báo thị trường lao động sẽ sôi động trở lại

Theo Bộ LĐ-TB&XH, 6 tháng đầu năm 2020, trừ một số chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động – việc làm (giải quyết việc làm, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp) bị ảnh hưởng nhiều của đại dịch Covid-19 nên đạt thấp so với cùng kỳ thì các chỉ tiêu khác của ngành đều đạt ở mức khá, có khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm đề ra.

Trên cơ sở kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, cùng với những tín hiệu tương đối tích cực từ nền kinh tế, dự báo thị trường lao động sẽ sôi động trở lại nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bo-ld-tbxh-tham-muu-kip-thoi-chinh-sach-ho-tro-nguoi-dan-gap-kho-khan-boi-dich-covid-19-201630.html