Bộ LĐ-TB&XH điều chỉnh đề xuất giờ làm việc sau khi tiếp thu ý kiến dư luận

Bộ LĐ-TB&XH đã có điều chỉnh về đề xuất liên quan tới giờ làm việc trong cả nước, trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 7 bắt đầu ngày 20/5, tại Hà Nội.

Sau gần 20 ngày công bố tờ trình dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012, ngày 16/5, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã điều chỉnh lại nội dung đề xuất về giờ làm việc. Các thay đổi này dựa trên việc tiếp thu ý kiến dư luận.

Phương án một của tờ trình được sửa lại như sau: "Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”.

Trong đó, đối với cơ quan hành chính cấp trung ương và các đô thị lớn, thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

Đối với cơ quan nhà nước ở địa phương thì giờ làm việc mùa hè và mùa đông được thay đổi theo điều kiện địa lý.

Người dân làm thủ tục hành chính tại cơ quan công quyền. Ảnh: Xuân Hoa.

Người dân làm thủ tục hành chính tại cơ quan công quyền. Ảnh: Xuân Hoa.

Phương án 2, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (Đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do chủ tịch UBND tỉnh quyết định).

Trước đó, phương án 1 trong phiên bản cũ của dự thảo Tờ trình được công bố hôm 28/4 có nêu “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

Lý giải về nguyên nhân đưa ra đề xuất thay đổi giờ làm việc của cơ quan hành chính, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, cần kết nối liên thông giờ làm việc để mọi chỉ đạo từ Trung ương xuống địa phương hoặc từ địa phương lên Trung ương được đảm bảo về mặt giờ giấc. Do đó, mới quy định thống nhất giờ làm việc từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút để cơ quan hành chính kết nối làm việc với nhau, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đề xuất này khiến nhiều chuyên gia, người lao động và cả các cơ quan quản lý băn khoăn.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp khai mạc ngày 20/5.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng đề xuất giờ làm việc thống nhất trong cả nước là không hợp lý, vì tuy cùng múi giờ song khí hậu các vùng miền khác nhau và tỷ lệ dân cư nông thôn lớn. Người dân nông thôn thường dậy sớm từ 5-6h, để tránh nắng nóng họ đến cơ quan hành chính từ 7h sáng nên việc các đơn vị làm từ 8h30 là "vấn đề cần cân nhắc".

Ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn Việt Nam cũng cho rằng thời gian làm việc bắt đầu từ 7h30 hoặc 8h là hợp lý, nếu bắt đầu từ 7h là quá sớm, sẽ vất vả đối với các gia đình có con nhỏ hoặc từ 8h30 là quá muộn. Thời gian nghỉ trưa kéo dài 1,5 giờ để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.

Ngoài ra, ông Thọ đề xuất các cơ quan hành chính đặc thù có thể linh động tùy thuộc công việc, như bộ phận tiếp dân có thể làm việc sớm hơn.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam đánh giá thời gian làm việc từ 8h30 như đề xuất của Bộ Lao động là chưa hợp lý vì thời gian nghỉ trưa từ 12h30 là khá muộn cho việc ăn uống, nghỉ ngơi.

Ly Na (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/bo-ld-tbxh-dieu-chinh-de-xuat-gio-lam-viec-sau-khi-tiep-thu-y-kien-du-luan-273684.htm