Bộ Lao động là điểm tựa kết nối triển khai chính sách an sinh xã hội

Cho rằng Bộ LĐ-TB&XH là điểm tựa kết nối triển khai chính sách an sinh xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị này đẩy mạnh phát triển bảo hiểm xã hội dành cho nông dân, lao động khu vực phi chính thức.

Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương về kết quả 5 năm 2016-2020 cho thấy niềm tin của nhân dân về các chính sách xã hội, đảm bảo an sinh, chính sách người có công tỷ lệ đánh giá tốt chiếm tới 72%. Về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 68%, tăng 13 bậc.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 11/1.

An sinh xã hội được nâng cao

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong giai đoạn 2015 - 2020 và đặc biệt năm 2020 với ảnh hưởng to lớn của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ bất thường, trong khi nhiều nước trong khu vực và thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam tự hào vì đã đạt được "mục tiêu kép" trong phòng, chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực an sinh xã hội được đảm bảo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Một số lĩnh vực đạt kết quả vượt bậc, đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng được mở rộng. Đến nay, 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú…"

Cả nước về cơ bản không còn hộ người có công trong hộ nghèo, 3% dân số Việt Nam và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ tiêu chuẩn được hưởng trợ cấp thường xuyên. Người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm, trợ giúp theo quy định. Các quyền cơ bản của trẻ em được bảo đảm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Việt Nam là 1/30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị-xã hội, kết quả giảm nghèo đa chiều nhanh, bình quân 5 năm qua là 1,35%/năm, từ 9,88% năm 2015 đến nay là 2,75% năm 2020. Chúng ta về đích trước 10 năm so với Mục tiêu thiêu niên kỷ."

Trong 5 năm qua, cả nước tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động; hơn 635.000 người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt tới 27% chỉ tiêu chuyển dịch lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,48%, ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.

Bên cạnh đó, các chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng năm 2020 Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN và 77/158 quốc gia về đảm bảo bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ. Xét về tổng quan trong ASEAN và thế giới, Việt Nam được đánh giá là làm tốt hơn về chi tiêu cho an sinh xã hội, mức đầu tư chiếm 21% tổng chi ngân sách, cao nhất trong các khối ASEAN.

Nhờ việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo... chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển cao, đứng thứ 110 trong 189 quốc gia. Chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị . (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã có nhiều đổi mới, đột phá trong thực hiện các nhiệm vụ, công việc thường xuyên. Điển hình là việc đổi mới trong xét công nhận hồ sơ người có công. Công tác giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả rất ấn tượng, góp phần giữ ổn định xã hội và tăng thêm lòng tin của người dân vào các chính sách nói riêng, vào Đảng, Nhà nước, vào chế độ.

Ngoài ra, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ động giải quyết hiệu quả những nhiệm vụ đột xuất, mới phát sinh, đặc biệt trong năm 2020 với những vấn đề “chưa có trong tiền lệ” trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp.

Mục tiêu lớn trong giai đoạn mới

Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Dung nhận định năm 2021 sẽ là năm đầu tiên bước vào quá trình thực hiện nhiều mục tiêu, chương trình lớn như: Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; kế hoạch 5 năm 2021-2026 của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội. Đặc biệt, bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động trên nhiều phương diện cùng với những nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đòi hỏi sẽ phải nỗ lực, quyết tâm và sáng tạo hơn nữa trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, giai đoạn 2021-2025, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cần chú trọng phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, hiệu quả với chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng phát triển nhanh, bền vững và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, đáp ứng nhu cầu về cơ bản và cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân; góp phần đảm bảo công bằng xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đặc biệt, trong năm 2021 nhiều mục tiêu chính cần được ngành triển khai có hiệu quả, như: Bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt và thích ứng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ "hậu COVID-19"; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh cần triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong năm 2021. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ngành sẽ tập trung xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, nhất là khi mà một số vấn đề mới như chính sách tiền lương, kéo dài tuổi nghỉ hưu, vấn đề phát triển các quan hệ lao động, hình thành tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp đã được quy định tại Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Đây là những vấn đề rất hệ trọng sẽ làm thay đổi căn bản trong quan hệ lao động trong khu vực doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, mục tiêu trong giai đoạn mới là tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống người có công nhất là sau khi Pháp lệnh Ưu đãi người có công sửa đổi có hiệu lực thi hành. Quan tâm, hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Kiên quyết xử lý các hành vi ngược đãi, xâm hại trẻ em và phụ nữ...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng là cơ quan mang tính đầu mối, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có vai trò vô cùng quan trọng trong phát hiện, tổng hợp, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, “điểm tựa kết nối” tất cả các lực lượng cùng chung tay xây dựng và triển khai chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công, phát triển nguồn nhân lực…

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải đẩy mạnh hơn nữa phát triển bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện dành cho nông dân, người lao động khu vực phi chính thức.

Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải tăng cường phối hợp, điều phối không chỉ giữa các cơ quan Nhà nước, đoàn thể trong hệ thống chính trị mà đặc biệt với các tổ chức xã hội, doanh nghệp, cá nhân có lòng hảo tâm để tạo thành mạng lưới đưa thành quả của sự phát triển đến được với mọi người dân, đặc biệt là người yếu thế./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/day-manh-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-danh-cho-nong-dan/688976.vnp