Bổ khuyết cái nhìn từ địa phương

Có một thực tế, những người làm lý luận-phê bình văn học, thường có cái nhìn hướng tâm (nơi tập trung những cơ quan nghiên cứu, lý luận, phê bình, các viện, trường đại học hay các tờ báo, tạp chí văn hóa-văn nghệ hoạt động) để hình dung về tình hình phê bình văn học hiện tại.

Điều đó là hợp lý, nhưng chúng ta có thể thấy ngay rằng, cái nhìn đó sẽ mang nhiều thiếu khuyết. Bởi lẽ, sẽ không bao giờ bức tranh phê bình văn học nghệ thuật hiện ra một cách đầy đủ, nếu chỉ mô tả những gì đang diễn ra ở trung tâm (tạm hiểu là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh). Bức tranh ấy sẽ thiếu một mảng rất lớn, rất sinh động, đến từ những hoạt động phê bình văn học nghệ thuật ở địa phương. Trong bối cảnh đó, việc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa xuất bản công trình Lý luận phê bình văn học Thanh Hóa từ 2010 đến nay (NXB Văn học, 2019) là một cố gắng nhằm phản ánh đời sống văn học địa phương, hoàn thiện bức tranh phê bình văn học Việt Nam hiện đại. Sách dày 436 trang, được bố cục thành hai phần: Phần 1: Nghiên cứu và khảo cứu. Phần 2: Lý luận phê bình.

Thanh Hóa là một vùng đất có bề dày lịch sử, trầm tích, nhiều cơ tầng văn hóa, gắn bó mật thiết với quá trình hình thành nền văn hóa của người Việt cổ. Trên mảnh đất này lưu giữ nhiều di chỉ của quá khứ, những hiện vật khảo cổ hay những huyền thoại, thần tích, văn chương… luôn là cứ liệu để quá khứ song hành cùng hiện tại. Có lẽ vì thế, Phần 1 của cuốn sách đã tập trung minh giải hoặc tái diễn giải các vấn đề thuộc về văn hóa, lịch sử. Tiêu biểu là cụm công trình của Hoàng Tuấn Phổ (Nguồn gốc Gia Miêu ngoại trang và những đóng góp của dòng họ Nguyễn trong lịch sử dân tộc; Quốc mẫu Trịnh Thị Ngọc Lữ và quốc vương Tư Tề: Một nghi án trong lịch sử thời Lê Sơ; Am Tiên Núi Nưa), Hoàng Tuấn Công (Về câu tục ngữ “Thanh vô tiền, Nghệ vô hậu”; Đọc sách “Di tích núi và đền Đồng Cổ"…), Hỏa Diệu Thúy (Hình tượng chim Lạc trên trống đồng cổ Đông Sơn; Hình tượng người “khổng lồ” trong huyền thoại xứ Thanh)… Có thể nói, những khảo cứu-nghiên cứu trong phần này đã đặt ra và giải quyết một cách khá triệt để một số vấn đề của lịch sử-văn hóa xứ Thanh. Hoàng Tuấn Phổ, Hoàng Tuấn Công, Hỏa Diệu Thúy… vốn là những nhà nghiên cứu kỳ cựu của vùng đất Thanh Hóa, nhưng tên tuổi đã vượt ra khỏi biên giới địa phương, để đóng góp vào nền học thuật chung của cả nước. Tên tuổi đó bảo chứng cho những nghiên cứu-khảo cứu của họ. Bạn đọc chắc chắn sẽ tìm thấy những kiến giải thú vị, khoa học về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất xứ Thanh, nhưng cũng là những câu chuyện của lịch sử-văn hóa Việt Nam. Hãy hình dung, những nghi vấn này sẽ được lý giải thế nào: Công lao và những đóng góp của họ cho nhà Lê Sơ từ khi khởi nghiệp ở Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh đến khi kiến thiết vương triều thế nào? Đền Đồng Cổ (ở Thanh Hóa và Hà Nội) thờ trống đồng hay thờ Đồng Cổ Sơn thần? Biểu tượng chim Lạc trên trống đồng Đông Sơn thực tế là hóa thân của chim gì?... Những vấn đề văn hóa, lịch sử, gợi lại chiều dài đằng đẵng của dân tộc với bao thăng trầm, biến đổi, được lý giải một cách khúc chiết, thú vị, gây hứng thú cho người đọc.

Phần 2 của cuốn sách tập trung vào các vấn đề, hiện tượng, tác giả, tác phẩm văn học hiện đại Thanh Hóa. Hồ Dzếnh, Hữu Loan, Minh Hiệu, Kiều Vượng, Vương Anh, Từ Nguyên Tĩnh, Định Hải, Mã Giang Lân, Văn Đắc, Lê Quang Sinh, Nguyễn Minh Khiêm, Đinh Ngọc Diệp,… đâu chỉ là tên tuổi của riêng xứ Thanh. Hồ Dzếnh với "Chân trời cũ" và những bài thơ lục bát nặng lòng với quê mẹ (tập thơ "Quê ngoại"), trầm lắng một nỗi sầu xứ khôn khuây; Hữu Loan với "Màu tím hoa sim", "Đèo Cả" là những vì tinh tú trong bầu trời thi ca dân tộc; Mã Giang Lân, tác giả được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (tập thơ "Những lớp sóng ngôn từ"), Nguyễn Minh Khiêm (giải nhất cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội) luôn đau đáu những xúc cảm, suy tư về quê hương, chiến tranh, thời thế… thực sự là những tác giả cần phải được nhắc đến trong lịch sử văn học Việt Nam. Dưới ngòi bút của Lưu Đức Hạnh, Hỏa Diệu Thúy, Thy Lan, Kiều Thu Huyền, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Xuân Soan,… các tác giả, tác phẩm được soi chiếu một cách khá kỹ lưỡng, bằng cái nhìn rất gần của người cùng chung một cơ tầng văn hóa, cùng chung cố thổ, chung tiếng nói, thấu tỏ khí chất con người và vùng đất. Chính vì thế, những nhận định, đánh giá đưa ra khá thích đáng.

Cứ thử hình dung về bức tranh phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam với sự góp mặt, góp lời của các địa phương, chúng ta sẽ thấy được sự đa dạng đến ngạc nhiên của nền văn chương nước nhà. Dĩ nhiên, các trung tâm học thuật lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn là nơi quy tụ, góp mặt các diễn ngôn phê bình quan trọng. Nhưng, trong cái nhìn bao quát, trên tinh thần của một nghiên cứu lịch sử văn học đích thực, những công trình lý luận phê bình của các hội văn học nghệ thuật địa phương thực sự là những đóng góp quan trọng, làm đầy đủ hơn diện mạo của nền văn học Việt Nam. Trên tinh thần đó, chúng ta ghi nhận thành quả lao động của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật Thanh Hóa.

LÊ PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bo-khuyet-cai-nhin-tu-dia-phuong-599941