Bộ KH-ĐT 'từ chối' BOT nhiệt điện Vũng Áng II

Bộ KH-ĐT không xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II.

Giải thích lý do, tờ Người lao động dẫn văn bản Bộ KH-ĐT cho biết, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, có hiệu lực từ ngày 19/6, không quy định cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã được khởi công năm 2006. Ảnh: TPO

Do đó, bộ này không xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II.

Trước đó, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Vũng Áng 2 (VAPCO) có công văn đề nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xin phép chấp thuận Công ty One Energy (Hong Kong) là nhà đầu tư duy nhất trong dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 theo hình thức BOT.

Sau đó, Bộ Công thương đã có văn bản gửi đến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp xin ý kiến về việc việc chuyển đổi chủ đầu tư dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2.

Sau khi xem xét, đánh giá, Bộ KH-ĐT đã có văn bản trả lời rõ về việc này. Ngoài ra, Bộ KH-ĐT cũng đề nghị Bộ Công Thương và nhà đầu tư là Công ty OneEnergy Asia Limited (Hồng Kông - Trung Quốc) lưu ý việc xác định tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, Bộ KH-ĐT cũng yêu cầu chủ đầu tư làm rõ một số điểm như: quy định trong sử dụng đất; báo cáo đánh giá tác động môi trường đã bị quá hạn nhưng chưa lập lại; nguồn vốn huy động chưa đủ để thực hiện dự án...

Với các lý do trên, Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan để tổ chức triển khai dự án đúng quy định pháp luật.

Lo Việt Nam thành ‘vùng trũng’ nhiệt điện than

Liên quan tới đầu tư nhiệt điện than, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho thấy, vốn FDI vào nhiệt điện than qua 2 dự án đã chiếm gần 24% tổng vốn FDI vào VN trong 7 tháng đầu năm 2017. Đó là dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Nhật Bản) với tổng vốn 2,793 tỉ USD và dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 (Singapore, 2,07 tỉ USD).

Ngoài ra, có nhiều dự án điện than khác đã có kế hoạch triển khai trong thời gian tới như dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1 (1,7 tỉ USD) sẽ khởi công cuối năm nay; dự án nhiệt điện Quảng Trạch 2 sẽ khởi công vào năm 2019. Cũng trong năm nay, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 đã được ký thỏa thuận đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư dự kiến 2,2 tỉ USD.

Việc tăng mạnh vốn đầu tư vào lĩnh vực nhiệt điện không nằm ngoài dự tính, song nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại. TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia thuộc mạng lưới Liên minh Năng lượng bền vững VN (VSEA), lo lắng công nghệ “thải” của các nước có nguy cơ được nhập vào VN từ các dự án nhiệt điện được ký kết sau này.

Kiến nghị dừng hẳn nhiệt điện than chưa xây dựng

Trong khi đó, chuyên gia môi trường, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng VN đang đi ngược xu thế của thế giới và đang là “vùng trũng” hứng các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường lẫn công nghệ lạc hậu từ điện than của các nước khác.

“Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã đóng cửa ít nhất 5 nhà máy nhiệt điện do ô nhiễm môi trường ngay tại thủ đô Bắc Kinh quá lớn. Tuy nhiên, khắc phục xỉ than thải ra từ các nhà máy nhiệt điện là vấn đề lớn. Vậy các dự án cấp mới vừa đây và trong chiến lược phát triển nhiệt điện sau này, vấn đề xử lý xỉ than từ các nhà máy được “chú trọng” đến đâu?”, ông Ninh băn khoăn.

An An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/bo-kh-dt-tu-choi-bot-nhiet-dien-vung-ang-ii-3361253/