Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ dự thảo Đề án 'Thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia'

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Công văn 7130/VPCP-KGVX ngày 27/7/2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự thảo Đề án 'Thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia'. Dự thảo Đề án đã được Bộ trình xin ý kiến các thành viên Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại buổi Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 19/02/2019. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại buổi Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 19/02/2019. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Hiện nay, Việt Nam đã có một số khu công nghệ cao (CNC), công viên phần mềm và hàng chục cơ sở vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp có quy mô và lĩnh vực hoạt động khác nhau. Tuy vậy, chúng ta chưa có một trung tâm đổi mới sáng tạo (TTĐMST) đúng nghĩa theo thực tiễn quốc tế tốt nhất. Vì vậy, để hiện thực hóa được các cơ hội phát triển từ Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0) và đưa đổi mới sáng tạo (ĐMST) dần trở thành một động lực của tăng trưởng kinh tế, góp phần chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng, đưa đất nước từng bước chuyển sang giai đoạn phát triển dựa trên ĐMST, việc thành lập TTĐMST quốc gia theo chuẩn mực quốc tế phổ biến, tiến tới hình thành mạng lưới ĐMST quốc gia ở trình độ phát triển cao đã trở nên hết sức cần thiết.

Tại Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số chủ trương, giải pháp lớn đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh đã yêu cầu phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có tiềm năng tăng trưởng cao, có sản phẩm dịch vụ hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

TTĐMST quốc gia được thành lập sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp nhận và áp dụng công nghệ, nhất là công nghệ của CMCN 4.0, cho các doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, ĐMST trên phạm vi quốc gia, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về CMCN4.0. Trung tâm là tổ chức kết nối các bên có liên quan, tạo thành hệ sinh thái ĐMST trên khu vực, trong các ngành nghề nhất định dựa trên lợi thế của khu vực và vùng được chọn.

Với vai trò là một trung tâm quốc gia, TTĐMST quốc gia sẽ kết nối, hỗ trợ và hợp tác với các cơ sở hỗ trợ ĐMST và phát triển công nghệ hiện tại, tạo thành hệ thống ĐMST trên khắp cả nước, qua đó, góp phần phát triển và nâng cấp năng lực công nghệ của nền kinh tế. Mục đích cuối cùng của Trung tâm là nâng cao năng lực công nghệ và ĐMST của các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần đưa Việt Nam thành nước có mức thu nhập trung bình cao.

Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ bằng các hoạt động: giới thiệu, trình diễn các công nghệ mới, nhất là công nghệ CMCN 4.0; kết nối các nhà cung cấp công nghệ với các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cung cấp các dịch vụ chuyển giao công nghệ, dịch vụ hỗ trợ tiếp nhận và áp dụng công nghệ, nhất là công nghệ CMCN 4.0 cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa,... Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển, ĐMST và khởi nghiệp bằng các hoạt động: xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh, tạo môi trường thuận lợi nhất có thể cho doanh nghiệp; cung cấp cơ sở hỗ trợ ĐMST, nghiên cứu phát triển công nghệ, bao gồm phòng thí nghiệm, xưởng sản xuất thử, thiết bị mô phỏng…

Đây sẽ là nơi thử nghiệm các chính sách, thể chế vượt trội, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hấp dẫn đủ sức cạnh tranh trong khu vực để thu hút nhân tài, thu hút đầu tư ĐMST, khuyến khích và hỗ trợ nghiên cứu phát triển và ĐMST đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0, đầu tư, cấp vốn cho các doanh nghiệp ĐMST, thúc đẩy quá trình tạo ra công nghệ, sản phẩm, dịch vụ ĐMST.

TTĐMST quốc gia sẽ được đầu tư xây dựng tại Khu nghiên cứu và phát triển của Khu CNC Hòa Lạc với diện tích khoảng 23 ha, giáp với Đại học FPT và khu Trung tâm của Khu CNC Hòa Lạc. Ngoài trụ sở ở Khu CNC Hòa Lạc, để hoàn thiện mô hình quản lý và tăng cường kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu, nhân tài và doanh nghiệp, Trung tâm sẽ có trụ sở hoạt động ở một địa điểm phù hợp ở trung tâm Hà Nội./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Bộ KHĐT: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=42680&idcm=188