Bỏ hợp đồng điện tử, lái xe và người dùng xe công nghệ về đâu?

Nếu Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP vừa được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trình Chính phủ về quy định loại hình xe ứng dụng công nghệ được thông qua, hàng loạt doanh nghiệp công nghệ như Grab, Fastgo hay Go-Viet (có kế hoạch ra mắt dịch vụ GoCar) và lái xe có thể nói sẽ 'hết đất sống' (!?).

Nếu Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP được thông qua, hàng ngàn lái xe công nghệ đi về đâu?

Theo Dự thảo vừa trình, tất cả các xe hợp đồng ứng dụng công nghệ hiện nay sẽ được quy về xe “taxi”. Như vậy, lái xe hợp đồng ứng dụng công nghệ sẽ trở thành lái xe taxi và sẽ chịu tất cả những ràng buộc, quy định như taxi truyền thống như: xe phải gắn mào, đeo logo, có phù hiệu taxi, có đồng phục…

Dù mới chỉ là Dự thảo nhưng nhiều lái xe hợp đồng ứng dụng công nghệ như Grab, Fastgo… đã bày tỏ sự lo ngại về việc giảm năng suất lao động, mất đi tính năng động của một loại hình vận tải mới. Nhiều khả năng, xe công nghệ sẽ lại biến mất và người dân lại quay về thời “taxi vẫy”.

Điều khiến người tiêu dùng lo lắng nhất vẫn là vấn đề giá cước có tăng? Chị Trần Thanh (Q.9, TP.HCM) thường đi làm bằng dịch vụ xe công nghệ tỏ ra băn khoăn: Liệu khi “đeo gông” thì những loại hình xe công nghệ có mất đi tính ưu việt, văn minh và đặc biệt là giá cước có tăng? Theo chị Thanh, di chuyển với GrabCar giúp chị tiết kiệm từ 20-30% chi phí so với đi taxi thông thường nên dễ lựa chọn hơn.

Không phải ngẫu nhiên mà mới xuất hiện trên thị trường vài năm trở lại đây, nhưng những mô hình công nghệ kết nối di chuyển như Grab, Fastgo… hay trước đó là Uber, đã đạt được kết quả ấn tượng và được người tiêu dùng lựa chọn - bởi sự tiết kiệm, tiện lợi và minh bạch. Người tiêu dùng biết trước mình sẽ bỏ ra bao nhiêu tiền để di chuyển cho quãng đường cần phải đi, dù có rành đường hay không. Đặc biệt, có thể thông qua ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh để đặt xe, theo dõi lộ trình của tài xế, biết được khi nào xe đến nơi… Đáng nói, do tiết kiệm được những chi phí không cần thiết về việc quản trị hệ thống, nhân lực văn phòng nên giá di chuyển bằng những loại xe công nghệ phần lớn rẻ hơn taxi truyền thống và linh hoạt theo khung giờ, khu vực. Đây mới là lý do chính để xe hợp đồng điện tử, ứng dụng công nghệ chiếm được thiện cảm vừa ưu tiên sử dụng của người tiêu dùng. Tính trung bình, mỗi cuốc xe, hành khách chỉ mất 2,5 phút để hoàn tất quá trình gọi xe. Ở Grab, hiệu suất sử dụng xe GrabCar trên 70% giúp tăng năng suất cho lái xe và tăng hiệu quả giao thông, tỷ lệ xe chạy rỗng thấp.

Tính ưu việt cũng là động lực để thúc đẩy cạnh tranh, tạo ra sự thay đổi tích cực cho nhu cầu di chuyển của thời kỳ hội nhập. Bởi sau đó, hàng loạt các hãng taxi lớn cũng ra đời ứng dụng gọi xe. Đáng tiếc là việc thay đổi còn chưa triệt để vì “bình mới, rượu cũ”, giá cước di chuyển vẫn cao, giữ nguyên theo đồng hồ taxi.

Từ đó cho thấy, nếu quy định tại Dự thảo Nghị định 86 mà Bộ GTVT trình Chính phủ được thông qua, những tiện lợi này sẽ… biến mất. Thu nhập của lái xe sẽ giảm sút, thậm chí là mất đi việc làm của hàng ngàn người. Anh Minh Quân - một đối tác GrabCar- chia sẻ: Nếu Chính phủ quyết định thay đổi, quản lý mô hình xe công nghệ như taxi, giá cả chắc chắn sẽ tăng, người dùng sẽ ít đi và lớn hơn là các nhà đầu tư sẽ nản chí. Nếu Grab theo chân Uber rút khỏi Việt Nam thì đời sống của anh em tài xế sẽ ra sao khi không còn cơ hội kiếm thêm thu nhập khi rảnh rỗi, sau giờ làm hay ngày nghỉ. Đây thực sự là một vấn đề lớn mà không biết Bộ GTVT có lưu tâm khi soạn chính sách hay không?

Nên chăng, cần có những chính sách phù hợp hơn để dung hòa được các loại hình vận tải theo hướng có lợi nhất cho cả lái xe và người dùng!

Minh Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-hop-dong-dien-tu-lai-xe-va-nguoi-dung-xe-cong-nghe-ve-dau-110272.html