Bỏ hộ khẩu đâu bằng bỏ phân biệt đối xử

Thông tin Chính phủ đã đồng ý bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu trong quản lý dân cư đã tạo ra một làn sóng đồng tình cao trong dư luận bởi trước đó đã có nhiều ý kiến cho rằng quản lý bằng hộ khẩu là một phương thức lạc hậu, gây nhiều phiền toái và tốn kém cho cả người dân và các cơ quan quản lý.

Tuy nhiên bình tâm lại mà nói, việc bỏ hộ khẩu trong nghị quyết của Chính phủ là một bước trong nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nên công tác quản lý dân cư dĩ nhiên vẫn còn đó, chỉ thay “sổ hộ khẩu” bằng mã số định danh cá nhân và đi kèm là hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nói cách khác, nếu trước đây có nhiều nơi “ăn theo” cuốn sổ hộ khẩu để tiện cho việc quản lý như đăng ký xe, mua nhà, tuyển dụng thì sau khi bỏ hộ khẩu, việc “ăn theo” sẽ vẫn còn đó nhưng dưới hình thức khác.

Đối với người dân, những phiền toái do hộ khẩu gây ra vẫn sẽ tồn tại, ít nhất là một thời gian nữa, những phiền toái đi liền với việc phân biệt đối xử giữa người có hộ khẩu thường trú tại một địa phương nào đó và người không được đăng ký nhân khẩu thường trú tại địa phương này.

Bỏ hộ khẩu nhưng điều đó chưa chắc đã đồng nghĩa với cơ hội tuyển dụng bình đẳng vào bộ máy hành chính ở một địa phương nào đó giữa người có hộ khẩu thường trú và người chỉ đăng ký tạm trú. Nhiều địa phương vẫn đang đòi hỏi ứng viên phải là người cư trú ở địa phương, thậm chí là đã cư trú một số năm nào đó. Nhiều trường vẫn chỉ tuyển học sinh trên địa bàn; học sinh con của công nhân nhập cư từ quê lên chưa chắc đã được nhận vào học. Một số trường đại học tuyên bố rõ chỉ nhận sinh viên của tỉnh nhà. Đó chỉ mới là một số ví dụ trong lĩnh vực giáo dục; còn biết bao lĩnh vực khác từng đòi hộ khẩu và gián tiếp gây ra sự phân biệt đối xử với cùng công dân của một nước.

Nỗ lực xóa bỏ sự phân biệt đối xử này cần phải song hành với chuyện bỏ hộ khẩu bởi đó là hai chuyện khác nhau.

Nỗ lực xóa bỏ sự phân biệt đối xử này cần phải song hành với chuyện bỏ hộ khẩu bởi đó là hai chuyện khác nhau. Không có hộ khẩu việc phân biệt đối xử vẫn có thể diễn ra dưới các hình thức khác, kể cả đòi hỏi cơ sở dữ liệu cá nhân phải chứng minh nơi cư trú. Chẳng hạn, việc chấm dứt yêu cầu phải có hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, viên chức không thể dựa vào nghị quyết bãi bỏ hộ khẩu nói trên mà phải dựa vào Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Một khi các luật này không đòi hỏi cung cấp nơi cư trú thì các địa phương không được quyền đặt ra yêu cầu như thế.

Ngược lại bộ máy hành chính trong thời gian tới còn phải làm rất nhiều việc để đáp ứng yêu cầu bỏ hộ khẩu thay bằng cách quản lý khác. Lấy ví dụ hiện nay mua bán ô tô, các đơn vị công chứng đều yêu cầu xuất trình hộ khẩu kèm theo các giấy tờ khác vì bên đứng bán phải có đủ cả vợ chồng hoặc chứng minh vẫn còn độc thân. Chứng minh quan hệ vợ chồng thì cần hộ khẩu; bằng không phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn, cũng nhiêu khê không kém. Hàng loạt thủ tục giấy tờ đã thành thói quen, thành thông lệ hàng chục năm qua, không dễ gì thay thế nhất là khi sự vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa thông suốt hay chưa đồng đều giữa các địa phương, giữa người dân có phương tiện và người dân không tiếp cận được phương tiện.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/166390/bo-ho-khau-dau-bang-bo-phan-biet-doi-xu.html