Bộ GTVT vào cuộc làm rõ tình trạng 'xe dù, bến cóc' tuyến Hà Nội - Quảng Ninh

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu làm rõ nội dung kiến nghị của 11 doanh nghiệp vận tải hành khách Quảng Ninh về tình trạng 'xe dù, bến cóc' tuyến Hà Nội - Quảng Ninh.

Theo đó, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Hà Nội và Cục CSGT (Bộ Công an) đề nghị phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về hiện tượng “xe dù, bên cóc” trên tuyến Hà Nội - Quảng Ninh theo đơn kêu cứu ngày 22/7/2019 của 11 đơn vị vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tại văn bản này, Bộ GTVT đề nghị Cục CSGT chỉ đạo lực lượng tổ chức kiểm tra đối với 8 doanh nghiệp vận tải (224 phương tiện) trong đơn kêu cứu, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định; thông tin kết quả đến Bộ GTVT để phối hợp quản lý.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi, giám sát hoạt động đối với 224 phương tiện. Đồng thời trích xuất dữ liệu từ hệ thống thiết bị giám sát hành trình xe ô tô để kịp thời phát hiện các vi phạm chuyển đến Sở GTVT Hà Nội, Quảng Ninh xử lý vi phạm theo quy định.

Lực lượng chức năng kiểm tra xe hợp đồng chạy sớm tại Trạm thu phí Đại Yên (TP Hạ Long).

Lực lượng chức năng kiểm tra xe hợp đồng chạy sớm tại Trạm thu phí Đại Yên (TP Hạ Long).

Trong đơn kêu cứu của 11 đơn vị vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có phản ánh hiện tượng “xe dù, bến cóc” trên tuyến Hà Nội - Quảng Ninh và ngược lại. Đơn kêu cứu nêu rõ, hàng ngày có trên 1.500 xe chạy tuyến Hà Nội – Quảng Ninh nhưng chỉ có khoảng 300 xe là được cấp phép hoạt động tuyến cố định, còn lại phần lớn là các xe dòng Limousine 10 chỗ, 16 chỗ, 19 chỗ và xe giường nằm 41 chỗ mang biển đăng ký Quảng Ninh hoặc Hà Nội hoạt động dưới hình thức như tuyến cố định, thường xuyên tùy tiện chạy vòng vo đón khách tại nhà ở Quảng Ninh và Hà Nội vào tất cả các khung giờ. Các xe này thường đè giờ xe hoạt động trên tuyến cố định Hà Nội - Quảng Ninh, khiến doanh nghiệp chạy tuyến cố định đang trên bờ vực phá sản.

Danh sách các xe dù gồm: 36 xe của Công ty TNHH DVVT Hoàng Phú, 44 xe của doanh nghiệp Ninh Quỳnh, 46 xe của Công ty TNHH Vận tải Hoàng Công, 7 xe của doanh nghiệp Trung Thành, 14 xe của Công ty CP Hà Vy Quảng Ninh, 38 xe của doanh nghiệp Anh Huy, 13 xe của Nhà xe Xuân Trường, 26 xe của Công ty TNHH Vân Đồn Xanh.

Trước đó, từ đơn kêu cứu này, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các bộ, ngành kiểm tra, xử lý tình trạng xe hợp đồng, xe Limousine chạy như tuyến cố định.

Được biết, ngày 24/7, Tổ công tác Đội Thanh tra giao thông số 2 (Phòng CSGT Quảng Ninh) đã tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm xe khách dọc tuyến QL18. Tại đây, tổ công tác cũng kiểm tra hàng loạt xe hợp đồng, nhất là loại xe trên 9 chỗ (Limousine).

Theo Thiếu tá Nguyễn Quốc Trình – Đội phó Đội CSGT số 2, loại xe Limousine đang bùng phát nhưng lại không được quy định hoạt động rõ ràng nên nhiều doanh nghiệp đang lợi dụng dùng loại xe này để lách luật, vận chuyển hành khách tuyến cố định. Thực tế loại xe Limousine hoạt động chở khách tuyến cố định nhưng trước khi khởi hành đã gửi hợp đồng, danh sách hành khách về Sở GTVT dưới hình thức là xe hợp đồng nên rất khó xử lý.

Thừa nhận, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh việc chấp hành quy định về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách còn nhiều bất cập, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh cho biết, dạng xe Limousine hoạt động có tính chất rất tinh vi khi giả danh hợp đồng nhưng lại chạy theo tuyến cố định. Các xe này chủ yếu chạy Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, hoạt động bát nháo, thách thức lực lượng chức năng. Chỉ cần khách gọi điện, các nhà xe sẽ chủ động xếp chỗ, sau đó hoàn thiện các thủ tục để hợp thức hóa hợp đồng. Tổ chức thu tiền ngay trên xe và theo từng hành khách, loại ghế.

Lan Vũ

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/bo-gtvt-vao-cuoc-lam-ro-kien-nghi-ve-tinh-trang-xe-du-ben-coc-tuyen-ha-noi-quang-ninh-157187.html