Bộ GTVT tường minh nhiều vấn đề 'nóng' của Nghị định về kinh doanh vận tải

Bộ GTVT chỉ rõ cách xử lý nhiều vấn đề 'nóng' tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô…

Nghị định 10/2020 sẽ nâng cao công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải với nhiều nhóm giải pháp - Ảnh minh họa

Nghị định 10/2020 sẽ nâng cao công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải với nhiều nhóm giải pháp - Ảnh minh họa

Phân định đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ vận tải

Bộ GTVT vừa phát đi thông cáo báo chí về Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014của Chính phủ).

Nội dung thông cáo nêu rõ, Nghị định số 10/2020 được ban hành thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cắt giảm các thủ tục hành chính và những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; tạo lập môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, công bằng, bảo đảm trật tự ATGT trong kinh doanh vận tải.

Đặc biệt, Nghị định 10/2020 phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định 86 và tiếp thu những bài học từ Quyết định 24 để tạo lập khuôn khổ pháp lý chính thức cho việc ứng dụng các phần mềm kết nối trong kinh doanh vận tải.

Cụ thể, Nghị định số 10 đã phân định rõ giữa khái niệm đơn vị kinh doanh vận tải (Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi) và đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải)

Các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải như hiện nay hoàn toàn chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo thực hiện đúng quy định (có thể lựa chọn là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc là đơn vị vận tải).Đây là quy định rất mở để đơn vị tự lựa chọn và xác định hoạt động kinh doanh của mình phù hợp với các điều kiện kinh doanh của Nghị định.

“Các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải hiện nay nếu thực hiện các công đoạn (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) thì sẽ là phải đăng ký kinh doanh vận tải và hoạt động theo những quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là đơn vị kinh doanh vận tải. Còn nếu chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định tại khoản 1 Điều 35 của Nghị định số 10; Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT cùng các Bộ liên quan quản lý và hướng dẫn đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải quy định”, thông cáo nêu.

Trích xuất dữ liệu GSHT để xóa bỏ “xe dù bến cóc”

Tại thông cáo báo chí, Bộ GTVT cũng làm rõ giải pháp quản lý xe hợp đồng tại Nghị định 10/2020 mới ban hành.

Theo quy định mới, đến ngày 1/1/ 2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT. Trên cơ sở các thông tin của hợp đồng vận chuyển, kết hợp với thông tin từ thiết bị GSHT, hệ thống sẽ xác định các trường hợp xe hợp đồng, xe du lịch thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để kịp thời xử lý theo các quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến hành khách, người thuê vận tải và gửi thông tin hóa đơn điện tử về cơ quan Thuế để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn.

“Việc xử lý hoạt động “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định cần nhiều giải pháp đồng bộ, nhiều quy định đã được bổ sung để quản lý chặt chẽ đối với xe hợp đồng, du lịch, trong đó có quy định phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “Xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “Xe hợp đồng” là 06 x 20 cm; Phải có phù hiệu “Xe hợp đồng” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe,…”, Bộ GTVT cho hay.

Bắt buộc lắp camera giám sát tăng cường đảm bảo trật tự ATGT

Nghị định 10 lần này cũng đã đưa ra quy định trước ngày 1/7/ 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh từ camera sẽ được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

Theo Bộ GTVT, việc lắp đặt camera theo dõi, giám sát, phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm quy định pháp luật của người lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông (ngủ gật hoặc mất tập trung khi lái xe, sử dụng điện thoại khi lái xe, chở quá số người quy định, có hành vi cư xử thiếu văn hóa với hành khách, lái xe quá thời gian quy định, các tình huống bất thường khác…..) giúp đơn vị kinh doanh vận tải kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, ngăn ngừa lái xe vi phạm.

“Quy định này cũng sẽ giúp cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm của người lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ của hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự trong lĩnh vực vận tải ô tô”, thông cáo nêu rõ.

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-gtvt-tuong-minh-nhieu-van-de-nong-cua-nghi-dinh-ve-kinh-doanh-van-tai-d454963.html