Bộ GTVT: Triển khai 52 thủ tục cơ chế một cửa quốc gia

Ngành Giao thông Vận tải đã sẵn sàng đưa vào triển khai 52 thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa Quốc gia (NSW) lĩnh vực giao thông từ tháng 7 tới.

Dự kiến đến tháng 11 năm nay, Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) sẽ hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng và cung cấp thủ tục hành chính của Bộ tham gia NSW.

Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Đà Nẵng giám sát hoạt động xuất nhập cảnh của hành khách. Ảnh: S.T

Cơ chế một cửa được triển khai từ tháng 7

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Giao thông- Vận tải cho biết, bộ Giao thông-Vận tải đã tiến hành rà soát danh mục TTHC của Bộ GTVT tham gia NSW và Cơ chế một cửa ASEAN so với kế hoạch cắt giảm và đơn giản hóa TTHC của Bộ.

Theo đó, trong giai đoạn 2018-2020, Bộ GTVT dự kiến cung cấp 75 TTHC tham gia NSW (giảm 14 thủ tục so với Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể triển khai NSW và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020). Cụ thể, trong lĩnh vực hàng hải gồm 6 thủ tục, đường bộ 65 thủ tục và đường thủy nội địa 4 thủ tục.

“Trước mắt, từ 1/7 sẽ có 44/65 thủ tục đường bộ đưa vào vận hành theo NSW. Theo kế hoạch, rải rác từ ngày 1/8 đến 1/11, toàn bộ các thủ tục còn lại sẽ được vận hành theo NSW. Khác với việc triển khai đồng loạt như ở lĩnh vực hàng hải, với đường bộ, các thủ tục vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia sẽ được triển khai thí điểm tại các đơn vị: Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Sở GTVT các tỉnh/thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng. Còn đối với nhóm thủ tục vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Trung Quốc sẽ được triển khai thí điểm tại các đơn vị: Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Sở GTVT các tỉnh/thành phố: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh. Nếu kết quả thí điểm khả quan, các thủ tục sẽ được triển khai đồng loạt tại 63 Sở GTVT trên toàn quốc và tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam từ ngày 1/8 hoặc chậm nhất là từ ngày 1/9 tới”, ông Tùng thông tin.

Các thủ tục sẽ được triển khai đồng loạt tại 63 Sở GTVT trên toàn quốc và tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam từ ngày 1/8 hoặc chậm nhất là từ ngày 1/9 tới.

Có nên xã hội hóa dịch vụ công?

Bàn về vấn đề xã hội hóa dịch vụ công trực tuyến, phó chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Thị Kiều Nguyệt cho biết, các đơn vị thuộc Bộ GTVT sẽ chọn một số dịch vụ hành chính công phù hợp để xã hội hóa.

Trước những ý kiến lo ngại về việc xã hội hóa dịch vụ công, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực hàng hải, có những thủ tục hành chính công, nếu chuyển giao chỉ cần sửa Luật và các văn bản quy phạm pháp luật là xong. Tuy nhiên, cũng có thủ tục không thể chuyển giao do vướng điều ước quốc tế.

Tiếp tục nêu nên những lo ngại của mình về vấn đề này, ông Đặng Văn Hà, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định: Đăng kiểm đã chuyển giao cho doanh nghiệp thực hiện một số dịch vụ hành chính công từ nhiều năm nay và trên thực tế là đã bộc lộ rất nhiều vấn đề. “Các đơn vị đã triển khai phải báo cáo chi tiết về mặt trái của việc chuyển này bởi mục tiêu đầu tiên của doanh nghiệp là lợi nhuận. Nếu không đạt mục tiêu này, rất dễ phát sinh tiêu cực”, ông Hà cho hay.

Ở một góc nhìn khác, ông Lê Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề thuộc Công ty Vận tải ô tô số 2 (Hà Nội) cho rằng, phần dịch vụ công trong lĩnh vực đào tạo, cấp giấy phép lái xe có thể để doanh nghiệp làm nhưng về thủ tục hành chính công thì Nhà nước bắt buộc phải nắm giữ toàn bộ, không thể giao phần cấp phép cho tư nhân làm. Không quốc gia nào trên thế giới làm việc này.

Huyền Trang

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/bo-gtvt-trien-khai-52-thu-tuc-co-che-mot-cua-quoc-gia-131251.html