Bộ GTVT tìm cách quản lý Grab

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: Bản chất hoạt động của loại hình Grab giống taxi truyền thống nên cần có những quy định tương đồng nhằm tạo sân chơi bình đẳng.

Bộ GTVT lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 86/2014 để quản lý taxi công nghệ - Ảnh: Ngọc Dương

Tại buổi họp lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô ngày 13.7, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: Bản chất hoạt động của loại hình Grab giống taxi truyền thống nên cần có những quy định tương đồng nhằm tạo sân chơi bình đẳng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể việc sửa đổi, ban hành Nghị định 86/2014 là rất cần thiết để tất cả các loại hình vận tải đảm bảo hoạt động công bằng theo đúng pháp luật. Tinh thần sửa đổi sẽ là đơn giản hóa các thủ tục, những quy định không còn phù hợp phải bỏ và ngược lại. Đặc biệt, không được đưa các quy định mang tính hình thức.

Ông Thể bày tỏ sự lo ngại khi thời gian qua Grab vẫn còn quản lý lỏng lẻo, hoạt động tại VN phải thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật. Theo Bộ trưởng, khi xảy ra sự cố, trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) dùng ứng dụng gọi xe với hành khách như thế nào? Phải có sự ràng buộc để DN kinh doanh taxi công nghệ có trách nhiệm với lái xe, quản lý được lái xe.

Cần “cởi trói” cho doanh nghiệp vận tải

Đánh giá cao ứng dụng công nghệ nảy sinh ra các mô hình mới, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử VN, cho rằng cơ quan nhà nước không nên “gò ép” mô hình mới vào hệ thống pháp luật chưa có hoặc cấm, hạn chế mà có cách nhìn nhận mới và giải quyết xung đột với loại hình kinh doanh cũ. “Theo dự thảo hiện nay, DN công nghệ giống như taxi truyền thống cần phải xem xét lại, sẽ triệt tiêu sáng tạo. Nên chăng, Bộ cần xem lại điều kiện kinh doanh vận tải truyền thống do có quá nhiều điều kiện rào cản”, ông Hưng nói.

Theo Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ, qua kinh nghiệm một số nước như Singapore không quản ứng dụng gọi xe Uber, Grab và vẫn tạo điều kiện taxi truyền thống nhưng có sự hỗ trợ về điều kiện kinh doanh đối với loại hình taxi truyền thống.

“Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đưa ra 5 loại hình vận tải gồm xe hợp đồng, xe taxi, xe buýt, xe chạy tuyến cố định, xe du lịch nhưng về bản chất vẫn là vận tải hành khách. Tại VN, chỉ có xe buýt là được trợ giá do vận tải hành khách công cộng, có điều kiện kinh doanh cụ thể cho loại hình này. Còn các loại hình khác để cụ thể hóa ranh giới là điều cực kỳ khó khăn. Do đó, Bộ GTVT đề nghị năm 2019 sửa luật Giao thông đường bộ để có các quy định và chính sách rõ ràng hơn”, ông Thọ nói.

Kết luận buổi họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, thực tế luôn có sự mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa DN truyền thống và các đơn vị kinh doanh trên nền tảng công nghệ. Do đó, nghị định mới sẽ nhằm khắc phục các kẽ hở chính sách về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Dự kiến trong tháng 7, Bộ GTVT sẽ cố gắng hoàn thành dự thảo sửa đổi và trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến ban hành và kết thúc thí điểm ứng dụng gọi xe tại Quyết định 24.

Tham gia ý kiến sửa đổi Nghị định 86, đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm đều quy định là xe taxi và chịu chung quy định quản lý. Ngoài ra, Công ty công nghệ kinh doanh vận tải phải đặt máy chủ tại VN, dữ liệu có sự kết nối, chịu sự giám sát của Bộ GTVT và Sở tương tự như hộp đen.

Thái Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/bo-gtvt-tim-cach-quan-ly-grab-982723.html