5 điều rút ra từ màn so tài giữa ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam

Hai trận giao hữu 'lượt đi – lượt về' giữa ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam đã khép lại năm 2020 đầy biến động của bóng đá trong nước.

Đại công trường của thầy Park

Thầy Park không trực tiếp cầm quân mà giao việc chỉ đạo cho các trợ lý trong hai trận giao hữu. Ngồi trên khán đài quan sát, HLV người Hàn Quốc giống như một tổng công trình sư đang thực hiện một dự án phức tạp.

Tổng cộng 58 cầu thủ đã được ra sân thi đấu tại Cẩm Phả và Việt Trì. Họ thuộc về nhiều nhóm khác nhau: Ngôi sao trụ cột, cựu binh lâu ngày trở lại, tân binh mới nổi, tài năng trẻ và cả những gương mặt vô danh.

Nhiều biến thể của sơ đồ 3-4-3 và 3-5-2 đã được thử nghiệm. Trong đó cấu trúc tiền vệ hình kim cương được nhắc tới nhiều nhất và tiền vệ trụ Cao Văn Triền là tâm điểm chú ý với 90 phút thi đấu cho ĐT Việt Nam (45 phút trận “lượt đi” và 45 phút trận “lượt về”).

Qua hai trận giao hữu, thầy Park và BHL đã có được báo cáo tổng kết về tình hình của hai đội tuyển, trước khi chuyển sang các “pha” tiếp theo của dự án trong năm 2021 cực kỳ bận rộn với Vòng loại World Cup, Vòng loại U23 châu Á, SEA Games, AFF Cup.

Cao Văn Triền là tân binh được quan tâm nhất ở ĐT Việt Nam. (Ảnh: Dương Thuật)

Cao Văn Triền là tân binh được quan tâm nhất ở ĐT Việt Nam. (Ảnh: Dương Thuật)

U22 Việt Nam không “nhạt” như tưởng tượng

Trước hai trận giao hữu với ĐT Việt Nam, ấn tượng về U22 Việt Nam là mờ nhạt. Phần lớn đội hình không được giới mộ điệu biết mặt thuộc tên. Nhiều ý kiến lo lắng về khoảng cách trình độ giữa hai đội tuyển.

Tuy nhiên, U22 Việt Nam đã chứng tỏ mình là đội bóng có cá tính riêng. Kiên trì phòng ngự, sẵn sàng bùng nổ khi phản công. U22 Việt Nam mang những nét đặc trưng của một đội tuyển dưới thời HLV Park Hang Seo, song vẫn còn non nớt và cần thêm thời gian hoàn thiện.

Màn trình diễn của U22 Việt Nam giúp các cầu thủ trẻ nhận được cảm tình tự nhiên từ khán giả ở Cẩm Phả, Việt Trì cũng như qua màn ảnh nhỏ. Đó là trải nghiệm mới lạ với rất nhiều người trong thế hệ cầu thủ đang theo đuổi giấc mơ vàng SEA Games 31.

Cũng có thể thấy, 4 đợt tập trung ngắn hạn trong năm 2020 đã bước đầu tạo ra hình hài cho U22 Việt Nam “thế hệ thứ ba” dưới thời HLV Park Hang Seo, dù những đợt tập trung này chỉ để lại ấn tượng nhàn nhạt với giới truyền thông và người hâm mộ.

U22 Việt Nam để lại ấn tượng đẹp. (Ảnh: Dương Thuật)

Chênh lệch đẳng cấp

Chênh lệch đẳng cấp không chỉ tồn tại giữa cấp độ ĐTQG và U22, mà còn giữa những nhân tố mới và những cựu binh đã theo thầy Park “trải trăm trận” ở ĐT Việt Nam.

Đội hình xuất phát của ĐT Việt Nam trên sân Cẩm Phả chỉ có Văn Quyết từng cùng HLV Park Hang Seo tham dự một giải đấu chính thức. Đội hình ấy đã chơi chệch choạc. Những cầu thủ chơi hay tại V-League 2020 rất chật vật trong việc vận hành sơ đồ 3 hậu vệ ở cấp đội tuyển.

Hình ảnh tương phản xuất hiện trên sân Việt Trì. Đội hình toàn sao của ĐT Việt Nam đã áp đảo U22 Việt Nam. Ngay cả khi bất ngờ bị dẫn trước, họ cũng chỉ mất 1 phút để gỡ hòa và nhanh chóng ghi thêm bàn thắng để lật ngược thế cờ.

Trên phương diện cá nhân, Quang Hải đã chứng tỏ mình ở đẳng cấp khác biệt. Siêu phẩm bay người volley của tiền vệ sinh năm 1997 chính là cao trào trong 180 phút thi đấu giữa ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam.

Quang Hải và dàn sao ĐT Việt Nam đã thể hiện trình độ khác biệt.(Ảnh: Dương Thuật)

“Vùng xám” trong lối chơi

Siêu phẩm của Quang Hải là khoảnh khắc ngôi sao. Tám bàn thắng còn lại trong hai trận giao hữu giữa ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam gồm 3 quả phạt đền, 4 tình huống mắc sai lầm dẫn đến bàn thua, chỉ có 1 bàn thắng đến từ pha dàn xếp tấn công bài bản. Bàn thắng duy nhất ấy là tình huống Trần Văn Đạt mở tỷ số trong trận “lượt đi” hôm 23/12.

Trong bối cảnh thi đấu giao hữu, cộng thêm sự nhường nhịn giữa đàn anh và đàn em do ảnh hưởng của văn hóa Á Đông như lời chia sẻ HLV Park Hang Seo, thật khó để kết luận những vấn đề bộc lộ ở 2 trận vừa qua là nhất thời hay mang tính hệ thống?

Chín bàn thắng là kịch bản đẹp cho hai trận giao hữu, với mục đích gây quỹ từ thiện và phục vụ khán giả ở xa. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra một lằn ranh sáng – tối, gây khó khăn cho việc soi xét sức mạnh thật sự của ĐT Việt Nam cũng như U22 Việt Nam.

Khi trận đấu được phát sóng trực tiếp, làm sao để che giấu điểm mạnh – điểm yếu trước ánh mắt soi mói của các đối thủ là nhiệm vụ cần thiết. Ở thời điểm này, sức mạnh cực đại và "gót chân Achilles" của ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam vẫn là dấu hỏi.

Điểm mạnh - điểm yếu thật sự của ĐT Việt Nam và U22 Việt Nam đã bộc lộ? (Ảnh: Dương Thuật)

Ám ảnh chấn thương

Hai trận giao hữu với U22 Việt Nam là hoạt động duy nhất của ĐT Việt Nam trong năm 2020, khi bóng đá quốc tế gần như bị “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, cơn ác mộng chấn thương vẫn ám ảnh ĐT Việt Nam. Đoàn Văn Hậu phải rút lui trước ngày tập trung do chấn thương sụn chêm đầu gối và phải nghỉ thi đấu 3-4 tháng. Nguyễn Hai Long bị đau từ khi ở CLB nhưng lên tuyển mới phát hiện ra bị rách sụn chêm đầu gối và phải phẫu thuật để điều trị.

Đội trưởng Quế Ngọc Hải dính chấn thương cơ đùi chân phải trong quá trình tập luyện và không thể thi đấu. Quang Hải, Tuấn Anh, Việt Anh từng khiến người hâm mộ lo lắng khi phải tập riêng với bác sĩ.

Trong hai trận giao hữu, tiền đạo Hồ Tấn Tài và hậu vệ Vũ Xuân Cường dính chấn thương trên sân Cẩm Phả. Trung vệ Nguyễn Thành Chung dính chấn thương trên sân Việt Trì.

Hàng loạt ca chấn thương trong đợt tập trung với mục đích đá giao hữu có lẽ mới là vấn đề lớn nhất của ĐT Việt Nam, thay vì những gì bộc lộ trên sân khi so tài với U22 Việt Nam./.

Thành Chung tập tễnh rời sân vì chấn thương. (Clip: Dương Thuật)

Hoàng Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-thao/5-dieu-rut-ra-tu-man-so-tai-giua-dt-viet-nam-va-u22-viet-nam-827100.vov