Bộ GTVT phải giải ngân gần 8 nghìn tỷ đồng mỗi tháng

Với 94.161 tỷ đồng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao, mỗi tháng Bộ GTVT phải giải ngân gần 8.000 tỷ, đòi hỏi phải đổi mới cách làm, vận dụng sáng tạo các biện pháp triển khai công việc có hiệu quả cao.

Cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án; tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Bộ GTVT vào chiều 1/2/2023

Cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án; tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Bộ GTVT vào chiều 1/2/2023

Bộ GTVT dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công "khổng lồ"

Chiều nay (1/2), Bộ GTVT tổ chức cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án; tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Bùi Quang Thái - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, tổng kế hoạch vốn năm 2022 mà Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao là khoảng 55.051 tỷ đồng, chiếm 10,5% kế hoạch chi đầu tư phát triển cả nước và 25% kế hoạch chi phát triển nguồn ngân sách Trung ương.

Ước tính năm giải ngân vốn đầu tư công 2022 (hết tháng 1/2023), Bộ GTVT giải ngân được 52.969 tỷ đồng, đạt 96,2% kế hoạch. Trong đó, theo nhóm các chủ đầu tư, ban QLDA, các đơn vị thuộc Bộ giải ngân 47.089/48.041 tỷ đồng (đạt 98%); các đơn vị khác (VEC, các Tổng công ty, Sở GTVT các tỉnh,…) giải ngân 5.879/7.009 tỷ đồng (đạt 83,9%).

Thi công hầm Thần Vũ trên cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Cụ thể, đối với các chủ đầu tư, ban QLDA thuộc Bộ GTVT, có 14/20 đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 95%, 1/20 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 95% nhưng cao hơn mức bình quân cả nước (khoảng 92,7%) và có 5/20 đơn vị có tỷ lệ giải ngân nhỏ hơn mức trung bình cả nước.

Đối với các chủ đầu tư khác, có 24/47 đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 95%, 4/47 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 95% nhưng cao hơn mức bình quân cả nước và 19/47 đơn vị có tỷ lệ giải ngân nhỏ hơn mức trung bình cả nước.

Theo nhóm dự án, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân 15.805/16.034 tỷ đồng (đạt 98,6%); các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân 9.331/9.521 tỷ đồng (đạt 98%); các dự án ODA giải ngân 5.025/5.440 tỷ đồng (đạt 92,4%); các dự án trọng điểm, cấp bách giải ngân 2.924/3.242 tỷ đồng (đạt 90,2%); các dự án giao thông trong nước còn lại giải ngân 19.883/20.812 tỷ đồng (đạt 95,5%).

Kết quả giải ngân năm 2022 của Bộ GTVT bảo đảm mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cao hơn mức bình quân cả nước (trung bình cả nước đạt tỷ lệ khoảng 92,7%) và gấp 1,3 lần giá trị giải ngân của Bộ GTVT năm 2021 (năm 2021, Bộ GTVT giải ngân 40.300 tỷ đồng, đạt 93,7%).

Vụ trưởng Vụ KHĐT (Bộ GTVT) Bùi Quang Thái báo cáo tại cuộc họp

Mỗi tháng, Bộ GTVT giải ngân gần 8 nghìn tỷ đồng

Về tình hình giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2023, ông Thái cho hay, tổng số kế hoạch vốn năm 2023 mà Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao là 94.161 tỷ đồng.

"Đến nay, Bộ GTVT đã kịp thời giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đủ thủ tục với tổng số 94.135/94.161 tỷ đồng, đạt 99,97%. Còn lại 26,331 tỷ đồng kế hoạch được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất cho các bộ, cơ quan Trung ương do không có kế hoạch trung hạn, không bảo đảm điều kiện giao kế hoạch năm nên chưa thể phân bổ chi tiết và cần báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn thủ tục phân bổ kế hoạch", Vụ trưởng Bùi Quang Thái cho biết.

Cũng theo ông Thái, kế hoạch vốn năm 2023 chủ yếu tập trung vào các chủ đầu tư, ban QLDA do Bộ GTVT quản lý và ở các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Cụ thể, theo nhóm các chủ đầu tư, ban QLDA, các đơn vị thuộc Bộ GTVT được giao 86.094/94.135 tỷ đồng (chiếm 91,5%); các đơn vị khác (VEC, các tổng công ty, Sở GTVT các tỉnh…) được giao 8.040/94.135 tỷ đồng (chiếm 8,5%).

Theo nhóm dự án, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được giao 17.889/94.135 tỷ đồng (chiếm 19% kế hoạch vốn được giao năm 2023). Cùng với đó, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được giao 45.266/94.135 tỷ đồng (chiếm 48%); các dự án ODA được giao 7.784/94.135 tỷ đồng (chiếm 8,3%); các dự án trọng điểm, cấp bách được giao 2.259/94.135 tỷ đồng (chiếm 2,4%); các dự án giao thông trong nước còn lại được giao 20.977/94.135 tỷ đồng (chiếm 22,3%).

Thi công cầu Yên Mỹ trên cao tốc QL45 - Nghi Sơn

Đến ngày 30/1/2023, Bộ GTVT giải ngân khoảng 1.700 tỷ đồng (đạt khoảng 1,8%), cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. "Tuy nhiên giá trị giải ngân này là rất nhỏ so với kế hoạch vốn được giao năm 2023, trung bình mỗi tháng phải giải ngân khoảng 7.800 tỷ đồng. Giá trị giải ngân tháng đầu năm 2023 thấp do các chủ đầu tư, ban QLDA tập trung hoàn thiện thủ tục để giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022, đồng thời tháng 1 trùng với dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán năm 2022 ảnh hưởng tới tiến độ thi công và giải ngân của các dự án", Vụ trưởng Bùi Quang Thái đánh giá.

Giải ngân tối thiểu 90% vốn đầu tư công trong năm 2023

Năm 2023, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn lớn nhất từ trước tới nay (lớn gấp 2,2 lần năm 2021 và 1,7 lần năm 2022). Để giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ rất khó khăn. Với quyết tâm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT ở mức cao nhất, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Chỉ thị số 02 ngày 19/1/2023 đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Trong đó yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong năm 2023, cần nghiêm túc tập trung chỉ đạo ngay từ đầu năm từ công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và giải ngân các dự án.

Để giải ngân tối đa nguồn vốn được giao, ông Bùi Quang Thái cho biết, các chủ đầu tư, ban QLDA cần quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công.

"Người đứng đầu các chủ đầu tư, ban QLDA phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện giải ngân các dự án", ông Thái nói và cho biết thêm, các chủ đầu tư, ban QLDA cần khẩn trương xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết theo tháng của các dự án để bảo đảm giải ngân hết nguồn vốn được giao, báo cáo Bộ GTVT làm cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của đơn vị.

Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45

Cùng với đó, cần căn cứ kế hoạch giải ngân, xây dựng tiến độ thi công, biện pháp tổ chức thi công phù hợp bảo đảm giải ngân đúng kế hoạch đã xây dựng (bố trí nhiều mũi thi công; tập trung thi công cuốn chiếu, dứt điểm đối với những đoạn tuyến có điều kiện thuận lợi để hoàn thiện nền đường, các công trình trên tuyến và triển khai thi công ngay lớp móng, mặt đường nhằm tăng giá trị giải ngân,…).

Mặt khác, các chủ đầu tư, ban QLDA phải tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, như: Các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cầu Đại Ngãi,... Cùng với đó là các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân chậm; tăng cường tạm ứng vật liệu, cấu kiện bán thành phẩm và đẩy nhanh công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành.

Cũng theo ông Thái, các chủ đầu tư, ban QLDA cần chủ động, quyết liệt chỉ đạo, cử cán bộ có đủ thẩm quyền thường xuyên có mặt tại hiện trường phối hợp, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng,.... Đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư các dự án khởi công mới. Đẩy nhanh tiến độ công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn; thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán; thủ tục quyết toán các dự án. Mặt khác, các chủ đầu tư, ban QLDA phải khẩn trương rà soát, tổng hợp báo cáo nhu cầu vốn kéo dài năm 2022 theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Vũ Thành Vũ

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/bo-gtvt-phai-giai-ngan-gan-8-nghin-ty-dong-moi-thang-183230201151206797.htm