Bộ GTVT: Lần đầu tiên công khai kêu gọi đầu tư dự án BOT

Sau nhiều năm chủ yếu chỉ định thầu các dự án BOT, Bộ GTVT đã lần đầu tiên tổ chức hội nghị quốc tế công khai kêu gọi đầu tư tư nhân rót vốn vào đường bộ để thực hiện một số đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo hình thức BOT.

Sáng 17.5, hội nghị quốc tế công khai kêu gọi đầu tư tư nhân rót vốn vào đường bộ, Bộ GTVT đã chia sẻ thông tin về việc thực hiện xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo hình thức BOT với mức phí cao nhất các nhà đầu tư được thu là 3.400 đồng/km/xe dưới 12 chỗ ngồi.

Trong đó, 11 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông sắp đầu tư gồm: 3 đoạn đầu tư công: Cao Bồ - Mai Sơn, dài 15km, tổng vốn đầu tư 1.607 tỷ đồng; Cam Lộ - La Sơn, dài 98km, tổng vốn đầu tư hơn 7.669 tỷ đồng; và cầu Mỹ Thuận 2 dài 7km, tổng vốn đầu tư hơn 5.003 tỷ đồng.

Qua đó, 8 đoạn kêu gọi đầu tư hợp tác công tư (PPP) theo hình thức BOT gồm: Mai Sơn – Quốc lộ 45, dài 63km, tổng vốn hơn 12.000 tỷ đồng, trong đố nhà nước hỗ trợ hơn 3.169 tỷ đồng; Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, dài 43km, tổng vốn đầu tư hơn 6.333 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ hơn 2.003 tỷ đồng.

Lần đầu tiên Bộ GTVT công khai kêu gọi đầu tư dự án BOT.

Lần đầu tiên Bộ GTVT công khai kêu gọi đầu tư dự án BOT.

Nghi Sơn – Diễn Châu, dài 50km, tổng vốn đầu tư hơn 8.381 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 2.550 tỷ đồng. Diễn Châu – Bãi Vọt, dài 49km, tổng vốn đầu tư hơn 13.338 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ hơn 8.077 tỷ đồng.

Nha Trang – Cam Lâm, dài 50km, tổng vốn đầu tư hơn 7.615 tỷ đồng, trong đố vốn nhà nước hỗ trợ hơn 5.058 tỷ đồng. Cam Lâm – Vĩnh Hảo, dài 79km, tổng vốn đầu tư hơn 13.687 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ hơn 9.311 tỷ đồng.

Vĩnh Hảo – Phan Thiết, dài 101km, tổng vốn đầu tư hơn 11.603 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ hơn 3.884 tỷ đồng. Phan Thiết – Dầu Giây, dài 99km, tổng vốn đầu tư hơn 14.359 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ tợ hơn 2.480 tỷ đồng.

Để triển khai xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật cho biết, dự kiến, năm 2020, nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc – Nam sẽ vượt công suất của các tuyến đường hiện có, do đó phải đầu tư cao tốc trên tuyến. Bộ GTVT đã phê duyệt toàn bộ 11 đoạn dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, các địa phương cam kết hoàn thành giải phóng mặt bằng cơ bản trong năm 2019.

Trong, 8/11 dự án kêu gọi đầu tư BOT chào thầu quốc tế, Bộ GTVT đã mời 2 tư vấn quốc tế tham gia hỗ trợ rà soát cấu trúc tài chính, xây dựng hồ sơ mời thầu. Để minh bạch thông tin, các hồ sơ mời thầu đều công khai trên công thông tin bộ, phát hành chào thầu quốc tế, để mọi nhà đầu tư đều được tiếp cận, đảm bảo cạnh tranh công khai, minh bạch, không phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Được biết, cao tốc Bắc – Nam dài 2.109 km, kéo dài từ Lạng Sơn tới Cà Mau, hiện đã khai thác và đang xây dựng 1 số đoạn dài 601 km. Dự án xây dựng 1 số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc – Nam phía Đông, trước mắt đầu tư 11 đoạn dự án, với 8 dự án BOT, 3 dự án đầu tư công. Tổng mức đầu tư khoảng 118.700 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia khoảng 55.000 tỷ đồng. Tiến độ cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

Đặc biệt, ngoài được nhà nước hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, và 1 phần vốn xây dựng công trình, nhà đầu tư còn được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu trang thiết bị cho dự án, miễn giảm tiền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản…

Để thực hiện dự án, nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu đầu tư vào dự án chiếm 20% tổng mức đầu tư, số còn lại là vốn vay và vốn nhà nước hỗ trợ (nhà nước hỗ trợ khoảng 40% tổng vốn đầu tư).

Ngoài ra, Vốn nhà nước sau khi ưu tiên cho giải phóng mặt bằng, phần còn lại sẽ được giải ngân sau khi nhà đầu tư đã giải ngân được 50% vốn của nhà đầu tư và bắt đầu giải ngân vốn vay.

Công nghệ do nhà đầu tư áp dụng, nếu sử dụng công nghệ hiện đại giúp giảm chi phí, phần chênh lệch nhà đầu tư sẽ được hưởng và ngược lại. Mức phí khởi điểm là 1.500 đồng/km/xe dười 12 chỗ ngồi, và tăng dần tới 3.400 đồng/km/xe dưới 12 chỗ ngồi.

Ngày 22.11.2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 52/2017/QH14 thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, gồm 11 dự án thành phần gồm 8 dự án đối tác công tư PPP và 3 dự án đầu tư công, với chiều dài khoảng 654 km, tổng mức đầu tư ước tính khoảng 118.716 tỷ VND (vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án là 55.000 tỷ VND); tiến độ thực hiện yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2021.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có 4 mục tiêu chính. Thứ nhất là cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN, WTO và hội nhập quốc tế sâu rộng. Thứ hai là đáp ứng nhu cầu vận tải một số đoạn cấp bách trên tuyến Bắc - Nam với năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.

Thứ ba là từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoám hiện đại hóa và đảm bảo quốc phòng an ninh. Cuối cùng là kết nối các trung tâm kinh tế, 4 vùng kinh tế trọng điểm, khu đô thị, khu kinh tế, công nghiệp trọng yếu và cửa khẩu cảng biện quốc tế.

Theo nghiên cứu của các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, dự báo đến năm 2020, nhu cầu hành khách và hàng hóa trên hành lang vẫn tải Bắc Nam sẽ đạt 45,37 triệu hành khách/ năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm.

Đến năm 2020, nếu không có tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải Bắc - Nam sẽ vượt tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao yêu cầu nguồn kinh phí rất lớn, công nghệ phức tạp, chắc chắn không thể trển khai trước năm 2025.

Thế Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/bo-gtvt-lan-dau-tien-cong-khai-keu-goi-dau-tu-du-an-bot-980530.html