Bộ GTVT làm việc với Bình Thuận về dự án cao tốc Bắc - Nam

Sáng 4/3, Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông (phải) phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông (phải) phát biểu tại buổi làm việc.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km. Dự án gồm 3 dự án thành phần: đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Hiện các đơn vị thi công đang triển khai xây dựng trên toàn tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh. Toàn tuyến dự án này đi qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện của tỉnh gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao việc chỉ đạo, phối hợp của tỉnh Bình Thuận trong giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh. Đặc biệt là thực hiện tái định cư để sớm ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.

Để hoàn thành việc giải phóng mặt bằng toàn bộ Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện có đường cao tốc đi qua tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của công trình này để vận động nhân dân sớm nhận tiền bồi thường và bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm các khiếu nại tố cáo của người dân trong khu vực dự án. Đồng thời phối hợp giải quyết di dời các công trình liên quan như hệ thống nước, đường điện cao thế… và cần phải có phương án cụ thể trong việc sử dụng các mỏ cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ thi công đường cao tốc. Các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các Ban Quản lý dự án, Bộ Giao thông Vận tải giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, đẩy nhanh triển độ hoàn thành dự án theo kế hoạch.

Ông Nguyễn Tấn Lê, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua, các sở, ngành liên quan và các huyện có tuyến cao tốc đi qua đã tập trung, tích cực triển khai các công việc theo nhiệm vụ được giao, một số công việc đã được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đến ngày 3/3/2021, đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đạt 100% hồ sơ; đã chi trả tiền bồi thường cho 2.650/2.684 hồ sơ, đạt tỷ lệ 98,7%; diện tích đất sạch đã bồi thường 1.202/1.221 ha. Đã chi trả tiền bồi thường 2.650/2.684 hồ sơ, đạt tỷ lệ 98,7%.

Quang cảnh buổi làm việc.

Toàn tỉnh có 5 khu tái định cư xây dựng mới phục vụ giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu tái định cư của 162 hộ. Đến nay đã hoàn thành xây dựng 5/5 khu tái định cư tại 4 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam; hiện đang bàn giao cho các hộ dân. Các huyện cũng đang tiến hành di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, cấp nước, viễn thông).

Trong quá trình triển khai thi công hiện có một số khó khăn như: còn 34 hộ dân trên toàn tuyến chưa nhận tiền bồi thường, trong đó có 20 hộ thuộc thẩm quyền giải quyết của các huyện và 14 hộ khác có kiến nghị đang được các sở, ngành xem xét, giải quyết. Bên cạnh đó, theo báo cáo của các Ban Quản lý dự án 7 và Ban Quản lý dự án Thăng Long tại các vị trí đã bàn giao mặt bằng (hộ đã ký bàn giao mặt bằng) vẫn còn tình trạng người dân cản trở, khiếu nại giá bồi thường, gây khó khăn cho các nhà thầu…

Tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án Thăng Long và các nhà thầu thi công làm việc cụ thể với các chủ mỏ đất đắp đã có giấy phép để cung cấp đất cho dự án. Đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các mỏ chưa có giấy phép để xác định trữ lượng, chất lượng theo yêu cầu của dự án; đề nghị Ban Quản lý dự án 7 và Ban Quản lý dự án Thăng Long sớm tổ chức khảo sát ghi nhận về hiện trạng kết cấu, tải trọng khai thác các tuyến đường địa phương sử dụng làm đường phục vụ thi công của các gói thầu dự án với các đơn vị quản lý, làm cơ sở sửa chữa hoàn trả nếu có hư hỏng trong quá trình khai thác, sử dụng. Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ các quy định để đảm bảo an toàn giao thông.

Tin, ảnh: Nguyễn Thanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/bo-gtvt-lam-viec-voi-binh-thuan-ve-du-an-cao-toc-bac-nam-20210304112429081.htm