Bộ GTVT bỏ yêu cầu xe Grab phải gắn mào như taxi

Ở dự thảo mới nhất, Bộ GTVT không nêu quy định xe hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ 'Taxi Điện tử' gắn cố định trên nóc xe.

Bộ GTVT vừa có tờ trình Chính phủ Dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Với việc bổ sung loại hình giao dịch điện tử cho phù hợp với xu thế mới, dự thảo cho rằng Grab car được coi là xe hợp đồng điện tử, phải niêm yết "Xe hợp đồng điện tử" và các thông tin trên xe theo nội dung quy định.

Tuy nhiên, theo dự thảo, loại hình vận tải này không phải gắn hộp đèn trên nóc xe như một số đề xuất trước đó.

Taxi công nghệ sẽ không phải gắn mào

Trước đó, việc gắn mào cho taxi công nghệ đã gây nhiều tranh luận trái chiều.

Từng trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ, taxi truyền thống phải có mũ, có mố đèn, có logo, thậm chí là màu sơn thì taxi công nghệ cũng phải thực hiện quy định đó và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.

Thậm chí là màu sơn, logo phù hợp đối với doanh nghiệp vận tải hay hợp tác xã taxi đưa phần mềm vào còn phải đăng ký bản quyền với cơ quan bảo vệ quyền tác giả.

Xoay quanh việc gắn mào cho taxi công nghệ, có ý kiến cho rằng không cần thiết bởi làm tăng chi phí xã hội.

Ông Thanh cho hay: “Tại sao lại không hỏi câu hỏi đó với taxi truyền thống, tại sao taxi truyền thống có rất nhiều các điều kiện ràng buộc không thấy ai đặt câu hỏi chi phí tăng cao?".

Còn Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng bày tỏ, xe Grab bản chất là hoạt động kinh doanh vận tải nên phải được coi là taxi. Các xe này phải có bộ nhận diện riêng như gắn biển màu vàng để phân biệt với xe gia đình, các cơ quan chức năng dễ quản lý.

Cũng từng cho ý kiến về vấn đề này trên báo Thanh niên, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật BASICO, nhận định ý nghĩa của taxi công nghệ như mô hình GrabCar là kết nối các phương tiện tham gia vận chuyển hành khách trong thời gian rảnh rỗi. Đây không phải là kinh doanh taxi chuyên nghiệp nên việc ép phương tiện gắn phù hiệu nhận diện là vô lý. Bản thân taxi truyền thống cũng có những dịch vụ xe không mào, nhằm phục vụ mục đích đa dạng của người tiêu dùng.

Theo ông, mục đích của việc nhận diện phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của 3 đối tượng: khách hàng, đơn vị quản lý thuế và lực lượng thanh tra, kiểm tra, cảnh sát giao thông. Về phía khách hàng, họ không có nhu cầu nhận diện xe vì mọi thông tin đã được minh bạch qua ứng dụng. Việc gắn phù hiệu hay không cũng không có ý nghĩa gì đối với các đơn vị quản lý thuế vì công tác truy thu thuế phải xử lý tại nguồn là doanh nghiệp.

“Đối với thanh tra, kiểm tra, cảnh sát giao thông thì nhận diện xe để làm gì? Không có quốc gia nào lại đi cấm đoán, siết chặt quản lý với các phương tiện vận tải công cộng. Quy định này có thể dẫn đến nghi ngờ về tiêu cực, mãi lộ”, ông Đức đặt vấn đề.

Minh Thái

(Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/bo-gtvt-bo-yeu-cau-xe-grab-phai-gan-mao-nhu-taxi-3363122/