Bộ Giao thông Vận tải muốn nâng tiêu chuẩn khí thải ô tô

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang muốn nâng tiêu chuẩn khí thải (TCKT) xe ô tô tham gia giao thông và ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu thông qua việc xây dựng dự thảo 'Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông, xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu'.

Bảo vệ môi trường hay cho đồng bộ TCKT?

Theo lập luận của Bộ GTVT, việc nâng TCKT là nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cụ thể tại các đô thị, khí thải từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đóng góp nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Theo các báo cáo đánh giá chất lượng không khí, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, các chỉ số NOx, CO - là các hợp chất có trong khí thải của xe cộ - đã vượt mức cho phép 1,2 - 1,5 lần, điều này đang gây tác động rất xấu đến sức khỏe người dân.

Về mặt công bằng trong luật pháp, việc nâng TCKT theo bộ này còn đồng bộ với lộ trình kiểm soát khí thải xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng. Hiện tại ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới thì áp dụng TCKT mức Euro 2 kể từ ngày 1-7-2007.

Ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng gồm ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức áp dụng TCKT mức 3; ô tô lắp động cơ cháy do nén áp dụng TCKT mức 2 từ 1-7-2006.

Ô tô tham gia giao thông mang biển kiểm soát của các thành phố Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ áp dụng TCKT mức 1 kể từ ngày 1-7-2006; ô tô mang biển kiểm soát của các tỉnh, thành phố còn lại áp dụng TCKT mức 1 kể từ ngày 1-7-2008 (mức 1 của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6348: 2005).

Theo đó, Bộ GTVT cho rằng việc áp dụng Quyết định 249, việc kiểm soát chất lượng khí thải xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, nồng độ CO và nồng độ HC trung bình của xe ô tô lắp động cơ xăng giảm tương ứng 63% và 45,63%; độ khói trung bình của xe ô tô lắp động cơ diesel giảm 15,1%.

Tuy nhiên, tính đến tháng 5-2018, số lượng xe ô tô tham gia giao thông đã tăng 3,22 lần so với năm 2008 (3.050.794 xe so với 946.601 xe) và tiếp tục gia tăng với tốc độ khoảng 15%/năm, nên nếu xét tổng lượng phát thải từ ô tô thì mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí đô thị đã gia tăng đáng kể.

Cái không đồng bộ chính là năm 2011 Thủ tướng ban hành Quyết định số 49/2011/ QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng TCKT đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh mới. Theo đó, ô tô ô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới mới áp dụng TCKT mức Euro 4 từ ngày 1-1-2017 và mức Euro 5 từ 1-1-2022. Trong khi, ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu vẫn áp dụng các mức TCKT cũ quy định cách đây 12 năm, đến nay đã lạc hậu.

Bộ này còn cho rằng mức TCKT hiện tại áp dụng tại nước ta là thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới như mức tiêu chuẩn cho phép độ khói (%HSU) thì Việt Nam cao nhất trong 10 quốc gia và vùng lãnh thổ so sánh. So sánh về nộng độ CO thì Việt Nam cao thứ 2.

Nâng TCKT theo lộ trình

Bộ GTVT dự kiến phạm vi điều chỉnh của quyết định là xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu, trừ xe của quân đội, công an, xe cơ giới trong nông nghiệp.

Đối với xe ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng: Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức (động cơ sử dụng nhiên liệu xăng, khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG, khí tự nhiên nén - CNG và các loại tương tự) áp dụng Mức 4 kể từ ngày 1-1-2020. Ô tô lắp động cơ cháy do nén (động cơ sử dụng nhiên liệu diezel và các loại tương tự) áp dụng Mức 3 kể từ ngày 1-1-2020.

Đông Hòa

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280494/bo-giao-thong-van-tai-muon-nang-tieu-chuan-khi-thai-o-to.html