Bộ Giao thông Vận tải chính thức đưa vào khai thác 6 cầu trên địa bàn tỉnh Long An

Việc hoàn thành và đưa vào khai thác cầu Tân An và 5 cầu trên tuyến Quốc lộ N1 trên địa bàn tỉnh Long An sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từ thành thị đến nông thôn...

Các đại biểu thực hiện nghi lễ cắt băng thông xe cầu Tân An trên Quốc lộ 1 và 5 cầu trên Quốc lộ N1 địa bàn tỉnh Long An sáng 7/6. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Các đại biểu thực hiện nghi lễ cắt băng thông xe cầu Tân An trên Quốc lộ 1 và 5 cầu trên Quốc lộ N1 địa bàn tỉnh Long An sáng 7/6. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Sáng 7/6, tại Km 1947+182, Quốc lộ 1, Tp. Tân An, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức Lễ thông xe cầu Tân An trên Quốc lộ 1 và 5 cầu trên Quốc lộ N1 thuộc địa bàn tỉnh Long An gồm các cầu: Mỏ Heo, Kênh T62, Kênh T4, Kênh T2 và Kênh T61, thuộc Dự án Tín dụng ngành giao thông Vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2, được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tổng giá trị đầu tư 6 cầu trên khoảng 165 tỷ đồng.
Tham dự và phát lệnh thông xe, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh, sau thời gian khẩn trương thi công, để dự án được hoàn thành đưa vào khai thác đúng tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ; sự hỗ trợ có hiệu quả của các cơ quan trung ương, của tỉnh Long An; sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong suốt quá trình thực hiện dự án của Nhà tài trợ - Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); sự nỗ lực, cố gắng của đơn vị được giao quản lý dự án là Ban Quản lý dự án 6, các đơn vị Tư vấn, nhà thầu thi công và cán bộ, công nhân viên lao động ngành giao thông đã tham gia thi công trên công trường.
“Việc hoàn thành và đưa vào khai thác cầu Tân An và 5 cầu trên tuyến Quốc lộ N1 trên địa bàn tỉnh Long An sẽ xóa bỏ các điểm nghẽn về ùn tắc và an toàn giao thông, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từ thành thị đến nông thôn, kết nối vùng sâu vùng xa gồm các huyện nghèo biên giới giáp nước bạn Campuchia để tạo đà kết nối các tuyến vận tải nhằm đưa được hàng hóa tiếp cận nhanh về các trung tâm chế biến và tiêu thụ của địa phương.

Bên cạnh đí, các công trình này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, cải thiện mạng lưới giao thông đường bộ, tạo tiền đề và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ nói chung.

Đặc biệt, cầu Tân An mới đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết điểm nghẽn về giao thông trên 2 bờ bắc - Nam sông Vàm Cỏ Tây của thành phố Tân An”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu chủ trương đầu tư tiếp các cầu trên hệ thống quốc lộ, mong muốn của Bộ Giao thông Vận tải và những người làm cầu là tiếp tục được phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan và người dân để tiếp tục chung tay hoàn thiện hệ thống cầu trên mạng lưới quốc lộ, góp phần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện và an toàn.

Cầu Tân An nằm trên địa phận Tp. Tân An, tỉnh Long An, qua sông Vàm Cỏ Tây. Cầu có quy mô bề rộng phần cầu 12m, phần đường 26m và với nhịp giữa thông thuyền bằng dàn vòm thép khẩu độ 63m. Chiều dài gồm cầu và đường dẫn là 1.046m. Giá trị công trình: 110 tỷ đồng. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6- Bộ Giao thông Vận tải (đại diện chủ đầu tư), Dự án Tín dụng ngành giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2 (Dự án TSL2) có tổng mức đầu tư là 6.070 tỷ đồng (trong đó vốn vay ODA là: 4.472 tỷ đồng (24.771 triệu JPY); vốn đối ứng ngân sách nhà nước hơn 1.598 tỷ đồng). Vốn vay JICA được dùng cho các hạng mục xây lắp, dịch vụ Tư vấn rà soát, thẩm tra thiết kế, giám sát thi công; phần vốn đối ứng được dùng cho công tác giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, tư vấn lập dự án, khảo sát thiết kế kỹ thuật, quản lý dự án và các chi phí khác.
Dự án đầu tư xây dựng được 98 cầu trên 29 tuyến quốc lộ thuộc địa phận 31 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, 75 cầu đã hoàn thành quyết toán và đưa vào sử dụng từ năm 2017.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6, 6 cầu trên địa bàn tỉnh Long An khánh thành ngày 7/6 nằm trong nhóm 23 cầu sử dụng vốn dư của Hiệp định vay vốn, được bổ sung vào cuối năm 2018, tổ chức đấu thầu từ quý III-IV/2019, kịp thời gian hoàn thành tháng 6/2020 (trước thời hạn đóng Hiệp định, dừng giải ngân của JICA).
Chia sẻ về mục tiêu của dự án, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 nhấn mạnh, do các cầu trước đây được khai thác trong thời gian dài, đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, khổ cầu hẹp, tải trọng nhỏ, thường xuyên bị ngập nước, kết cấu không đảm bảo nên giảm khả năng lưu thông, gây ách tắc giao thông, hạn chế khả năng khai thác trên tuyến.

Để giải quyết tình trạng trên và đạt được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, đáp ứng nhu cầu vận tải vùng miền, nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác trên tuyến, đảm bảo an toàn giao thông trên mạng lưới đường bộ và đường thủy, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và góp phần xóa đói, giảm nghèo, việc xây dựng lại các cầu yếu nói trên là hết sức cấp bách và cần thiết, có ý nghĩa to lớn về bảo đảm an ninh quốc phòng.

Cầu Tân An mới đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết điểm nghẽn về giao thông trên 2 bờ bắc - Nam sông Vàm Cỏ Tây của thành phố Tân An. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Đại diện nhà thầu thi công cho hay, các cầu đều được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực và kết cấu thép theo các tiêu chuẩn hiện hành. Mặt cắt ngang phù hợp với cấp đường quy hoạch từ 7,5m đến 22m và phù hợp với quy hoạch đô thị.
Hiện nay, 23 cầu bổ sung đã được thi công cơ bản hoàn thành với 14/23 cầu hoàn thành, các cầu còn lại cũng đã thi xong phần cầu, đang hoàn thiện các hạng mục phần đường và sẽ hoàn thành toàn bộ các cầu trong tháng 6/2020.
Cầu Tân An nằm trên địa phận Tp. Tân An, tỉnh Long An, qua sông Vàm Cỏ Tây, cách cầu hiện hữu nằm bên phải hướng tuyến khoảng 10m.

Có quy mô bề rộng phần cầu 12m, phần đường 26m và với nhịp giữa thông thuyền bằng dàn vòm thép khẩu độ 63m. Chiều dài gồm cầu và đường dẫn là 1.046m. Giá trị công trình: 110 tỷ đồng.
Cầu được khởi công tháng 9/2019, hoàn thành tháng 6/2020. Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty cổ phần xây dựng 465 – Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình 3 – Công ty cổ phần Vật tư thiết bị và Xây dựng công trình 624.
Các cầu Mỏ Heo, Kênh T4, Kênh T2 và Kênh T61 có vị trí xây dựng trên tuyến Quốc lộ N1 (Mỏ Heo tại Km5+500; Kênh T4 tại Km21+100; Kênh T2 tại Km22+900 và Kênh T61 tại Km25+200). Cả 4 cầu được thiết kế có quy mô bề rộng 9m.

Giá trị công trình: 47,5 tỷ đồng chưa bao gồm dự phòng. Thời gian khởi công tháng 12/2019, hoàn thành tháng 6/2020. Nhà thầu thi công: Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng công trình giao thông 309 và Công ty cổ phần Vật tư thiết bị và Xây dựng công trình 624.
Về cầu Kênh T62 được xây dựng tại vị trí Km 19, Quốc lộ N1 với bề rộng cầu là 9m; phần đường được thiết kế với vận tốc 60km/h. Giá trị công trình: 7,5 tỷ đồng chưa bao gồm dự phòng. Thời gian khởi công cuối tháng 2/2020, hoàn thành tháng 6/2020. Nhà thầu thi công là Công ty TNHH xây dựng Thương mại Thế Toàn./.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bo-giao-thong-van-tai-chinh-thuc-dua-vao-khai-thac-6-cau-tren-dia-ban-tinh-long-an/159097.html