Bộ Giao thông thừa nhận bất cập khi thực hiện dự án BOT

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng triển khai thực hiện dự án BOT là đường lối chỉ đạo của Đảng, Chính phủ nhưng vấn đề tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi họp báo.

Đây là thông tin được chia sẻ tại buổi Họp báo Quý III năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải chiều ngày 28/9.

“Tại sao chúng ta phải làm BOT. Nếu có tiền thì đầu tư bằng ngân sách. Nhưng chúng ta không có tiền nên mới huy động vốn từ các nhà đầu tư", Vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP) - Bộ Giao thông vận tải bày tỏ quan điểm trong buổi họp báo. Trước câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Giao thông vận tải đã có tính toán gì về việc mua lại hay di dời trạm BOT Cai Lậy hay không. Theo đó, Vụ trưởng Huy khẳng định, Bộ Giao thông vận tải không có tiền mua lại trạm thu phí Cai Lậy.

Đồng tình với ý kiến của Vụ trưởng Huy, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông quay lại câu chuyện về hiệu quả thực hiện các dự án BOT. Thứ trưởng Đông thừa nhận: "Triển khai thực hiện dự án BOT là đường lối chỉ đạo của Đảng, Chính phủ nhưng vấn đề tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập". Tổng kết 5 năm thực hiện của Bộ GTVT cùng với công tác kiểm toán đã đưa ra nhiều bài học khi thực hiện các dự án BOT.

Vị Thứ trưởng cho rằng bài học rút ra đầu tiên đó là phải có hệ thống văn bản đồng bộ, đầy đủ. "Đặc biệt làm BOT mà hợp đồng mẫu của chúng ta chưa có, chưa bao quát được tất cả vấn đề", ông Đông chia sẻ.

Bên cạnh đó, vấn đề quản lý cụ thể dự án liên quan đến việc xem xét khả thi cũng còn bất cập. "Cơ bản chúng ta xem xét kỹ nhưng chưa tính đến tác động xã hội, cả việc đánh giá lựa chọn nhà đầu tư, giấy tờ đầy đủ nhưng thực tế phải thay đổi vì một số nhà đầu tư năng lực chưa đúng như đã khai", ông Đông chia sẻ.

Việc tính mức phí chưa đầy đủ về đơn giá dẫn đến phải điều chỉnh mức phí sau này, gây bức xúc cho xã hội. “Tôi cho rằng để giải quyết vấn đề này phải thay đổi hệ thống văn bản. Phải tổ chức thực hiện và quy trách nhiệm rõ ràng hơn đối với các cá nhân, tập thể khi thực hiện các dự án”, Thứ trưởng Đông nói.

Trước bài toàn đặt ra nên dừng làm BOT chờ hoàn thiện hệ thống pháp luật hay vừa thực hiện các dự án vừa sửa Luật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng: "Không nên dừng các dự án BOT mà phải bổ sung, sửa đổi khung pháp lý để đầy đủ hơn". Ông tiết lộ đoàn giám sát Quốc hội cũng có kiến nghị như vậy. Luật chỉ nên quy định khung, còn mức tính sẽ có cơ chế, quy định của nhà nước để đưa vào từng dự án.

Về trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng cho biết Bộ có trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc thực hiện dự án BOT. Bộ chịu trách nhiệm vì đề xuất và phê duyệt việc đặt trạm BOT.

"Trong thời gian tới, Bộ không chủ trương làm BOT ở những dự án có sẵn, chỉ làm BOT ở dự án mới. Và khi có chủ trương làm BOT, Bộ Giao thông vận tải sẽ lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng, đánh giá tác động xã hội", ông Đông khẳng định.

Vị Thứ trưởng chia sẻ một số dự án như Dầu Giây - Phan Thiết hay Nhơn Trạch... đã có nhà đầu tư nước ngoài tham gia rất "xôm tụ". Tuy nhiên, việc đấu thầu phát sinh nhiều vấn đề, nhiều nhà đầu tư đòi hỏi có bảo lãnh Chính phủ từ 3 - 5 năm khi khai thác. Các nhà đầu tư đưa đồng ngoại tệ vào mong muốn được bảo lãnh về tỷ giá. "Những điều này chưa được quy định cụ thể trong Luật vì vậy rất khó để thực hiện", ông Đông chia sẻ cũng chia sẻ thêm một số vướng mắc khi triển khai dự án BOT.

Nam Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bo-giao-thong-thua-nhan-bat-cap-khi-thuc-hien-du-an-bot-post238190.info