Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì về việc bốc thăm môn thứ 3 kỳ thi vào lớp 10
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng việc cố định môn thi lớp 10 có thể khiến học sinh học lệch, học tủ từ đầu năm, do đó đơn vị này đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, trả lời phóng viên về sửa đổi quy chế thi THCS và THPT, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm học 2024-2025 đã là khép kín một chu kỳ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo chương trình 2018 từ lớp 1 đến lớp 12. Và theo đó, năm học 2024-2025 này, chúng ta cân nhắc tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào khoảng giữa tháng 6 và tháng 7 năm 2025.
Vì thế, Bộ Giáo dục Đào tạo đang hết sức khẩn trương xây dựng quy chế thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến đến tháng 11 sẽ ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT và ngày 15/10 này sẽ đăng lên Cổng Thông tin điện tử về dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào lớp 10.
Theo thông lệ của nhiều năm, nếu ban hành được vào thời điểm này thì sớm hơn những năm trước ít nhất là khoảng 3 tháng, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho hoạt động dạy và học, đặc biệt là học sinh.
Về thi tuyển sinh vào lớp 10, ông Thưởng cho biết, về quan điểm xây dựng quy chế thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định 3 nguyên tắc, quan điểm cốt lõi.
Một là, không gây áp lực, gây tốn kém cho phụ huynh, cho học sinh và xã hội với tinh thần là gọn nhẹ. Đây là một quan điểm cũng như là nguyên tắc xuyên suốt trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và cũng tiếp tục được thể hiện trong Kết luận 91.
Nguyên tắc thứ hai là quy chế thi phải thúc đẩy được hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục toàn diện để làm sao cho học sinh chuẩn bị những bước cơ bản, bước đầu về phẩm chất và năng lực để các em có đủ điều kiện có thể tiếp tục học lên cấp bậc cao hơn, đó là trung học phổ thông. Hoặc nếu các em chuyển đổi, phân luồng khi học nghề thì các em cũng có nền tảng về phẩm chất và năng lực để có thể học nghề và thực hành nghề nghiệp ngay.
Trong nội dung này, những môn thi, phương thức thi cũng phải gắn kết được quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên với kiểm tra, đánh giá cuối kỳ. Có nghĩa là các môn học nào trong quá trình học có kiểm tra, có đánh giá đặc biệt là cho điểm thì cuối kỳ, cuối khóa cũng phải có thể kiểm tra, đánh giá.
Điều này nhằm giúp các em có đầy đủ phông nền về phẩm chất, năng lực đảm bảo giữa các môn học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội với những môn công cụ, phương tiện phù hợp với xu thế đổi mới hiện nay như ngoại ngữ, tin học, khoa học - công nghệ, STEM... và đặc biệt là phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nguyên tắc thứ ba là đảm bảo công tác quản lý nhà nước. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khung để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong kiểm tra, thanh tra, đánh giá và đồng thời, cũng thực hiện tốt nguyên tắc phân cấp, phân quyền, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm của các Sở Giáo dục trong quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Từ 3 nguyên tắc cốt lõi và cơ bản này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng quy chế thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh vào 10 với những nội dung cơ bản:
Về phương thức thi. Có 3 phương thức: thi tuyển; xét tuyển và phối hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Tất cả những nội dung này thuộc về thẩm quyền của địa phương, tức là Sở giáo dục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và lựa chọn và có căn cứ nguyên tắc. Nếu số lượng học sinh thi hay số lượng nhu cầu đầu vào phù hợp, tức là cung - cầu phù hợp thì không nhất thiết phải thi mà có thể xét tuyển…
Về môn thi. Quy định khung cứng của Bộ là 2 môn: ngữ văn và môn toán, còn môn thứ 3 nằm trong số những môn còn lại. Đối với những môn có đánh giá, cho điểm thì do các Sở giáo dục đào tạo quyết định nhưng phải do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt.
Về thời gian thi Bộ cũng quy định thống nhất.
Về công tác ra đề, coi thi, chấm thi… Bộ GD&ĐT đã có khảo sát, tổng hợp, đánh giá kỹ lưỡng trong 10 năm qua. Qua đó cho thấy, nếu không có quy định khung thì công tác quản lý có thể xảy ra những bất cập.
Qua khảo sát, thống kê cho thấy, đa số là các tỉnh lựa chọn ba môn thi vào lớp 10. Có khoảng 3 đến 4 tỉnh lựa chọn thi hai môn. Hiện, môn thi thứ ba chưa có quy định thống nhất nên khó kiểm tra, đánh giá đối với công tác quản lý, cũng như đánh giá mặt bằng trong quá trình dạy học của cơ sở.
Tuy nhiên, nếu lựa chọn cố định môn thi thứ ba, có thể dẫn đến tình trạng học sinh học lệch, học tủ. Điều đó dẫn tới các em không chuẩn bị đầy đủ về phẩm chất, năng lực để học lên THPT và những bậc tiếp theo, cùng với đó có thể nảy sinh nhiều vấn đề khác. Cho nên, Bộ đang lấy ý kiến về với môn thứ ba ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Về thời gian thi, qua tổng kết có Sở tổ chức thi môn Ngữ văn là 120 phút, môn Toán 120 phút, có nơi môn toán 90 phút, có nơi tiếng Anh 90 phút, có nơi 60 phút. Tức là trăm hoa đua nở. Cho nên phải có sự thống nhất. Nếu làm tốt thì thuận lợi hơn cho các Sở Giáo dục và Đào tạo, tránh được những rủi ro, bất cập.
"Hiện nay, đang trong quá trình chúng tôi lấy ý kiến để xây dựng dự thảo Thông tư với quan điểm lắng nghe ý kiến từ cấp cơ sở nhưng trên một nguyên tắc và đảm bảo quy định thống nhất quản lý nhà nước và đảm bảo khoa học về đánh giá và đảm bảo đầu ra theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, phù hợp với cấp học.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện kỹ lưỡng công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 của giai đoạn trước làm sao vừa mang tính ổn định nhưng có sự đổi mới phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông của 2018", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.