Bộ Giáo dục& Đào tạo:Một số mục tiêu của đề án ngoại ngữ quá cao

Báo cáo Quốc hội về đề án dạy và học ngoại ngữ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra 4 khó khăn, trong đó có một số mục tiêu đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện; năng lực và nghiệp vụ sư phạm của người dạy chưa đáp ứng yêu cầu.

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là có mục tiêu quá cao so với khả năng thực hiện. Ảnh minh họa: Giang Huy.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi các đại biểu Quốc hội về đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Báo cáo chỉ rõ 4 hạn chế của đề án.

Thứ nhất, nhận thức về vai trò của ngoại ngữ và sự cần thiết của việc đổi mới dạy học ngoại ngữ còn chưa đầy đủ. Nhiều bộ ngành, địa phương mặc dù có kế hoạch triển khai, nhưng thiếu chủ động, chưa bám sát mục tiêu đề án.

Thứ hai, một số mục tiêu của đề án được đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy, người học cũng như thực trạng dạy và học ngoại ngữ của cả nước.

Thứ ba, việc triển khai đề án được thực hiện thống nhất trên toàn quốc, trong khi đó có sự khác biệt lớn về nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học ngoại ngữ giữa các vùng, miền và cơ sở đào tạo. Quy mô người học rất lớn, trong khi năng lực và nghiệp vụ sư phạm của người dạy ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu.

Cuối cùng, đề án chưa đảm bảo về thời gian (mục tiêu đặt ra từ năm 2008 nhưng thực tế mới triển khai chính thức từ năm 2011) và tài chính (vốn ngân sách nhà nước cấp trong giai đoạn 2008-2015 chỉ đạt 70,3% so với yêu cầu).

Bộ tiếp tục thực hiện 8 nhóm giải pháp, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ của Việt Nam theo hướng hội nhập với chuẩn quốc tế, xây dựng trung tâm khảo thí ngoại ngữ độc lập cấp quốc gia để đảm bảo sự minh bạch, chính xác và thống nhất trong hoạt động khảo thí ngoại ngữ trên cả nước.Bộ Giáo dục khẳng định sẽ tiếp tục triển khai đề án theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó tập trung chủ yếu là tiếng Anh; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư cho dạy và học ngoại ngữ.

Bộ sẽ tăng cường hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ như khuyến khích các cơ sở giáo dục mở rộng, đa dạng hóa hình thức hợp tác quốc tế với các tổ chức ở các quốc gia bản ngữ hoặc có ngôn ngữ quốc gia phù hợp với việc dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam; tạo điều kiện cho các giáo viên người nước ngoài tham gia đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam.

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 được phê duyệt năm 2008. Mục tiêu là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường, để "đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam".

Đề án có tổng kinh phí gần 9.400 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2008-2010 là 1.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 gần 4.400 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 4.000 tỷ đồng. Nhưng sau 8 năm thực hiện, đến nay nhiều mục tiêu chưa đạt được, khả năng ngoại ngữ của học sinh nói riêng, người Việt Nam nói chung chưa được cải thiện nếu chỉ học theo chương trình phổ thông.

Việc đề xuất đưa tiếng Trung, tiếng Nga trở thành ngoại ngữ thứ nhất bên cạnh tiếng Anh đã gặp phải nhiều phản ứng của dư luận.

Theo VnExpress

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/bo-giao-duc-dao-taomot-so-muc-tieu-cua-de-an-ngoai-ngu-qua-cao-d34089.html