Bộ GD&ĐT xây dựng Thông tư mới về Điều lệ trường tiểu học: Tự chủ về chuyên môn

Bộ GD&ĐT hiện đang lấy ý kiến dư luận về Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học, để thay thế cho Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học. Dự thảo lần này tăng tính tự chủ chuyên môn cho các trường và cả giáo viên chủ nhiệm.

Dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó tập trung đổi mới quản lý nhà trường. Theo đó, nhà trường tiểu học được trao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội nhiều hơn; các hoạt động giáo dục được chuyển từ tập trung truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực; công tác kiểm tra đánh giá được đổi mới; các yêu cầu về hồ sơ sổ sách được giảm tải, tăng ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà trường…

Trường tiểu học được tự chủ chuyên môn

Trong quy định về “Nhiệm vụ và quyền hạn của trường tiểu học”, dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học bổ sung nhiều điểm mới. Cụ thể, trường tiểu học có thêm nhiệm vụ “xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường, gắn với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi của nhà trường”. Đối với việc tổ chức các hoạt động giáo dục bảo đảm chất lượng theo chương trình GDPT cấp tiểu học do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành, các nhà trường được quyền “tự chủ chuyên môn”.

Trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động giáo dục, các trường tiểu học được phép huy động, sử dụng các nguồn lực hợp pháp để thực hiện kế hoạch giáo dục đảm bảo tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh.

Thay vì chỉ thực hiện trách nhiệm “huy động trẻ đi học đúng độ tuổi, vận động và tạo điều kiện cho trẻ có hoản cảnh đặc biệt tới trường…” như Điều lệ hiện hành, dự thảo đã bổ sung và nhấn mạnh trách nhiệm “thực hiện giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tại địa bàn” của các trường tiểu học. Điều này có ý nghĩa xã hội quan trọng, nhất là với đối với các khu vực đông dân cư, giúp tránh được tình trạng học sinh không được nhận vào học trường tại địa bàn mình cư trú.

Một điểm mới rõ rệt khác trong quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của trường tiểu học, là các nhà trường phải có trách nhiệm triển khai dạy học sách giáo khoa theo quyết định của UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; lựa chọn xuất bản phẩm sử dụng trong nhà trường theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Điều này nhằm đáp ứng chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, quy định UBND tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông theo Luật Giáo dục 2019.

Dự thảo Thông tư mới về Điều lệ trường tiểu học cho phép nhà trường được trao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội nhiều hơn. Ảnh: Khánh Huy

Dự thảo Thông tư mới về Điều lệ trường tiểu học cho phép nhà trường được trao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội nhiều hơn. Ảnh: Khánh Huy

Nhấn mạnh vai trò của giáo viên

Các quy định về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn và trình độ của giáo viên được bổ sung nhiều điểm mới trong dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học. Trong đó, dự thảo nhấn mạnh vai trò quyết định của giáo viên trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục của trường tiểu học, cơ sở giáo dục khác, khi thực hiện chương trình GDPT cấp tiểu học, góp phần thực hiện giáo dục bắt buộc đối với giáo dục tiểu học.

Dự thảo quy định cụ thể trách nhiệm và quyền hạn với từng đối tượng giáo viên, giáo viên cốt cán, giáo viên chủ nhiệm. Trong đó, giáo viên được trao quyền mới là “tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường”. Giáo viên chủ nhiệm được quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 3 ngày liên tục.

Về trách nhiệm, giáo viên có thêm quy định mới là chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách. Giáo viên phải tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn và nhà trường; xây dựng mối quan hệ thân thiện, dân chủ giữa giáo viên với học sinh và với cha mẹ học sinh; giúp học sinh chủ động, sáng tạo, tự tin, tự chủ trong học tập và rèn luyện.

“Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; ứng xử văn hóa, đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của học sinh; Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập; sáng tạo, linh hoạt trong việc tự làm đồ dùng dạy học; Tham gia lựa chọn xuất bản phẩm tham khảo phù hợp để sử dụng trong nhà trường”, là những điểm mới trong dự thảo, để phù hợp với yêu cầu của thực tế cuộc sống, thực tế dạy - học hiện nay.

Thực hiện Luật Giáo dục 2019, dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học là “có bằng cử nhân” ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục tiểu học. Trong Điều lệ trường tiểu học hiện hành, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học là “có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm”. Để đảm bảo quyền lợi của giáo viên và đáp ứng lộ trình nâng chuẩn trình độ giáo viên, dự thảo cho phép các giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ được nhà trường, các cơ quan quản lí giáo dục tạo điều kiện để học tập, đào tạo bồi dưỡng theo quy định.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bo-gddt-xay-dung-thong-tu-moi-ve-dieu-le-truong-tieu-hoc-tu-chu-ve-chuyen-mon-192908.html