Bộ GD&ĐT trả lời về chức danh giáo sư của hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng

Bộ GD&ĐT khẳng định trường đại học ở Mỹ bổ nhiệm chức danh giáo sư cho ông Lê Vinh Danh, chưa được kiểm định chất lượng giáo dục.

Liên quan những bất đồng giữa ĐH Tôn Đức Thắng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mới đây, Bộ GD&ĐT đã có văn bản phản hồi.

Trường bổ nhiệm chức danh cho ông Lê Vinh Danh không được kiểm định

Bộ GD&ĐT nêu rõ TS Lê Vinh Danh được ĐH Preston, Mỹ, bổ nhiệm là giáo sư kinh tế năm 2007, sau đó được hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm chức danh giáo sư ngày 7/12/2012. Tuy nhiên, đến nay, ĐH Preston không được kiểm định chất lượng giáo dục bởi cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng tại Mỹ.

Ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: TĐTU.

Ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: TĐTU.

Về việc ĐH Tôn Đức Thắng ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ chuyên môn (chức vụ giáo sư cho các giảng viên đạt tiêu chuẩn của trường), Bộ GD&ĐT cho biết đã có công văn về việc này từ năm 2015.

Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét tính hợp pháp chứng nhận giáo sư của ông Lê Vinh Danh.

Cụ thể, đơn vị này đề nghị thẩm định, xác minh, cho ý kiến về việc TS Lê Vinh Danh được cấp chứng nhận giáo sư tại ĐH Preston có hợp pháp và được công nhận tại Việt Nam hay không, cũng như quy trình bổ nhiệm giáo sư của ông Danh tại Việt Nam.

ĐH Tôn Đức Thắng phải thực hiện công tác cán bộ theo quy định

Một trong những vấn đề quan trọng mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xin ý kiến Bộ GD&ĐT là công tác cán bộ của ĐH Tôn Đức Thắng. Đơn vị này muốn biết việc tiến hành bổ nhiệm hiệu trưởng nhà trường thực hiện theo các quy định của Luật Giáo dục Đại học có phải thực hiện theo quy định của Đảng và cơ quan chủ quản về cán bộ hay không?

Công văn trả lời của Bộ GD&ĐT nhấn mạnh từ ngày 1/7, việc thực hiện tự chủ của ĐH Tôn Đức Thắng và các cơ sở giáo dục đại học công lập khác (trong đó có công tác cán bộ) phải tuân thủ theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan.

Thư viện ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM. Ảnh: Lê Quân.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT cho rằng việc thực hiện tự chủ của ĐH Tôn Đức Thắng phải thực hiện theo Nghị quyết 77/ 2014 của Thủ tướng về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017, Quyết định số 158/2015 của Thủ tướng về việc phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế, hoạt động của ĐH Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017 và các quy định khác liên quan.

Trong văn bản xin ý kiến Bộ GD&ĐT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam băn khoăn khái niệm “quyền đại diện của chủ sở hữu” nên được hiểu thế nào? Cơ quan chủ quản thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua hội đồng trường bằng cách nào, khi số lượng tham gia hội đồng trường chiếm tỷ lệ thấp?

Bộ GD&ĐT nêu rõ theo khoản 1 điều 16 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, “hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”.

Điều này có nghĩa tập thể hội đồng trường (trong đó có đại diện cơ quan quản lý có thẩm quyền) có chức năng thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu đối với trường đại học công lập.

“Trong quá trình hoạt động, nếu quyền của chủ sở hữu không được đảm bảo do cơ chế tập thể, quyết định theo đa số phiếu, đại diện cơ quan quản lý có thẩm quyền có quyền và trách nhiệm báo với cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm tra… để yêu cầu nhà trường thực hiện đúng pháp luật và xử lý người vi phạm nếu có. Thành viên hội đồng trường phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật”, văn bản trả lời của Bộ GD&ĐT nêu.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng muốn làm rõ khái niệm “cơ quan quản lý có thẩm quyền” ở đây là cơ quan nào? Đối với ĐH Tôn Đức Thắng, cơ quan quản lý có thẩm quyền có phải là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không? Quy chế tổ chức và hoạt động của trường có định danh rõ cơ quan quản lý là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được không?

Bộ GD&ĐT thông tin: “Về quy định cơ quan quản lý có thẩm quyền, Chính phủ sẽ xem xét quyết định cụ thể khi ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học”.

Trước đó, đầu tháng 6, ĐH Tôn Đức Thắng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xảy ra bất đồng liên quan việc trích nộp tài chính. Cán bộ, giảng viên trong trường đã viết đơn gửi Ban chấp hành Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Quốc hội, phản đối Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về vấn đề này. Trong khi đó, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết đơn vị này chưa thu một đồng nào từ ĐH Tôn Đức Thắng.

Ngay sau đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản xin ý kiến Bộ GD&ĐT nhằm thống nhất chỉ đạo trong công tác lãnh đạo các trường trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Minh Nhật

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bo-gd-dt-tra-loi-ve-chuc-danh-giao-su-cua-hieu-truong-dh-ton-duc-thang-post959652.html