Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, đào tạo

Ngoài một số điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật, Quy chế tuyển sinh 2020 về cơ bản giữ ổn định như năm 2019.

Thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Ngọc Thắng

Thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Ngọc Thắng

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ một số lưu ý mà thí sinh và các trường ĐH cần quan tâm trong mùa tuyển sinh năm nay.

- Hiện nay có nhiều trường đại học bỏ phương án tuyển sinh riêng. Chỉ dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thì chất lượng đầu vào có bảo đảm, thưa bà?

- Việc lựa chọn hình thức tuyển sinh nào là quyền tự chủ của các trường ĐH. Và các trường cũng có trách nhiệm giải trình về chất lượng nguồn tuyển, về các phương thức tuyển sinh của mình.

Luật Giáo dục đại học (GDĐH) đã trao cho các cơ sở GDĐH quyền tự chủ về chuyên môn học thuật, đồng thời gắn với trách nhiệm tự giải trình và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các cơ sở GDĐH phải thực hiện trách nhiệm công khai minh bạch (đăng đề án tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường), trách nhiệm giải trình với xã hội về chất lượng nguồn tuyển cũng như chất lượng đào tạo dù sử dụng phương thức tuyển sinh nào.

Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, đào tạo; đồng thời đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng GDĐH. Cơ sở GDĐH vi phạm sẽ có chế tài theo luật định, theo đó có thể bị dừng đào tạo hoặc dừng tuyển sinh 5 năm.

Bài thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có độ phân hóa, đánh giá được học sinh đạt chuẩn, trên chuẩn (chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục THPT). Bên cạnh đó, đây sẽ là kết quả của một kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, bài bản, có sự chuẩn bị kỹ càng, rút kinh nghiệm điều chỉnh từng năm với sự giám sát của lực lượng chức năng và toàn xã hội. Vì thế, tôi cho rằng, không nên quá lo lắng với chất lượng nguồn tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp năm nay.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy. Ảnh: Thế Đại

Bên cạnh đó, mặc dù điểm đầu vào cũng là một trong những tiêu chí quan trọng quyết định chất lượng đầu ra, nhưng không phải tất cả. Luật GDĐH đã nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo phải chú trọng đến các điều kiện bảo đảm chất lượng của quá trình đào tạo, trong đó có đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất, công tác tổ chức, quản lý… Do vậy, song song với quá trình triển khai tự chủ đại học, công tác kiểm định chất lượng GDĐH cũng sẽ được đẩy mạnh, quan tâm.

HS đã tốt nghiệp THPT là có thể có cơ hội vào học đại học, hoặc cao đẳng, hoặc học nghề…, nhưng trong quá trình học nếu không đáp ứng được thì cũng sẽ bị đào thải, không thể tốt nghiệp. Cùng với công tác kiểm định cũng như các công cụ quản lý Nhà nước, uy tín, thương hiệu của mỗi trường đã và đang gây dựng sẽ vừa là động lực, vừa là thách thức khiến các trường phải luôn nỗ lực để đáp ứng chuẩn đầu ra phục vụ cho nhu cầu của thị trường lao động (không chỉ trong nước mà cả quốc tế). Cơ sở GDĐH chọn phương án tuyển sinh nào, cách thức tổ chức tuyển sinh ra sao, cũng sẽ phần nào cho xã hội thấy, họ là ai và ở đâu trong hệ thống GDĐH quốc gia.

Bộ GD&ĐT đang khẩn trương xây dựng chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) cho các trình độ của GDĐH, tiếp theo đó là chuẩn CTĐT của các ngành, nhóm ngành để định hướng bảo đảm mặt bằng chung của chất lượng nguồn nhân lực mà hệ thống GDĐH đào tạo nên. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn kiểm định chất lượng GDĐH để góp phần thực hiện tốt các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.

Ảnh minh họa/ INT

- Năm nay, nhiều trường đại học tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển kết quả học bạ. Theo bà, phương thức xét tuyển này có bảo đảm về chất lượng đầu vào?

- Như chúng ta đã thấy, các trường đại học đều sử dụng kết hợp nhiều phương thức thi tuyển, xét tuyển để tuyển sinh. Không chỉ sử dụng kết quả học tập ở cấp THPT, các trường đại học còn kết hợp với các phương thức tuyển sinh khác như: Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, sơ tuyển, phỏng vấn, bài thi đánh giá năng lực, chứng chỉ chuẩn hóa quốc tế… Năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường công khai kết quả học tập của HS cấp THPT. Đồng thời, yêu cầu các trường công bố công khai điểm thi và phổ điểm của điểm thi tốt nghiệp THPT để đối chiếu, so sánh.

- Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, Bộ GD&ĐT quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, và sức khỏe. Vậy Bộ GD&ĐT làm gì để kiểm soát chất lượng của các trường có ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào quá thấp?

- Tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường đại học. Chất lượng nguồn tuyển đầu vào là để bảo đảm thí sinh có thể theo học ngành nghề đào tạo một cách tốt nhất. Nếu các trường cố tình tuyển không đúng, hoặc chất lượng quá thấp theo yêu cầu của ngành nghề đào tạo, thì sản phẩm đầu ra cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, hoặc thậm chí SV không thể tốt nghiệp. Điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo của các trường. Xã hội luôn giám sát, đánh giá hệ thống GDĐH, và bản thân thị trường lao động cũng luôn minh bạch, công bằng trong việc đánh giá sản phẩm đầu ra của các trường.

Mặt khác, về căn cứ pháp lý: Tại Quy chế tuyển sinh 2020 đã bổ sung quy định các trường chịu trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý Nhà nước, với xã hội về cơ sở, luận cứ khoa học và quy trình xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cũng như các tổ hợp tuyển sinh phù hợp với ngành đào tạo hay không.

- Với phương án thi THPT như năm nay, việc sắp xếp, ưu tiên nguyện vọng sẽ như thế nào?

- Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường trong công tác tuyển sinh và lọc ảo đợt 1 năm 2020 như năm 2019, do đó nếu thí sinh có sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển, sẽ đăng ký xét tuyển tại trường THPT, cùng thời điểm đăng ký dự thi THPT. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường, tuy nhiên các nguyện vọng phải xếp theo thứ tự ưu tiên (khâu này không có thay đổi so với 2019).

Thí sinh đăng ký vào trường có sơ tuyển (các trường công an, quân đội) hoặc xét tuyển vào các ngành có tổ hợp môn năng khiếu thì cần phải thực hiện theo các quy định của trường (tham dự sơ tuyển, tham dự các kỳ thi năng khiếu do trường tổ chức). Đối với các trường tổ chức thi hoặc xét tuyển theo phương thức khác, thí sinh sẽ phải thực hiện theo quy định riêng của từng trường, có thể đăng ký xét tuyển online, nộp hồ sơ xét tuyển qua bưu điện hoặc nộp tại trường ĐH. Thí sinh cần theo dõi đề án tuyển sinh của trường để nắm được các quy định về thời gian và phương thức tuyển sinh.

Như vậy, với việc Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ về cơ sở dữ liệu và quy trình xét lọc ảo, điều này giúp các thí sinh và các nhà trường giảm chi phí, thời gian, công sức, đi lại đăng ký, tiếp nhận các hồ sơ nguyện vọng… Mỗi thí sinh có N nguyện vọng, chỉ cần làm 1 bộ hồ sơ nộp đăng ký một nơi, thống nhất theo kiểu mẫu hồ sơ đăng ký xét tuyển, kinh phí, điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển. Do vậy, công tác xét tuyển nguyện vọng và lọc ảo của các trường cơ bản ổn định như các năm. Thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng…

- Xin cảm ơn bà!

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-se-tang-cuong-cong-tac-thanh-tra-kiem-tra-cong-tac-tuyen-sinh-dao-tao-20200614230739403.html