Bộ GD&ĐT: Sách thu hồi khi còn đang lưu kho

Theo đó, việc hủy sửa in lại được thực hiện ngay trong quá trình in ấn chưa đóng quyển bằng cách hủy các bản in có chứa các trang phải chỉnh sửa để in lại.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời trả lới ý kiến Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội ngày 1/6/2023.

Cụ thể, tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 ngày 01/6/2023 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy đã có ý kiến phát biểu về một số nội dung liên quan đến ngành giáo dục; nội dung trao đổi đề cập đến một số vấn đề Bộ GD&ĐT đang triển khai thực hiện, được cử tri và xã hội quan tâm.

Theo đó, đại biểu băn khoăn “về những sai phạm ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (doanh nghiệp trực thuộc Bộ), phải xử lý hình sự có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản (tức Bộ GD&ĐT)”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy có nhiều băn khoăn đối với vấn đề của ngành giáo dục.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy có nhiều băn khoăn đối với vấn đề của ngành giáo dục.

Bộ GD&ĐT cho biết Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có nhiều đóng góp với ngành giáo dục, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có sai phạm của một số đơn vị và cá nhân.

Trong năm 2021 và năm 2022, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Đảng ủy khối Cơ quan Trung ương đã phối hợp với Bộ GD&ĐT kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và đã có kết luận về những sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong giai đoạn trước đó. Một số đơn vị và một số cá nhân của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bị xử lý kỷ luật. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện nay đang tập trung in ấn và phát hành sách giáo khoa bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh trước khi bắt đầu năm học mới. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa phối hợp tốt với cơ quan chức năng để làm rõ mọi vấn đề theo quy định, vừa phải vượt qua khó khăn, thực hiện mọi biện pháp để tổ chức in ấn, phát hành sách giáo khoa, bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh trước khi bắt đầu năm học 2023-2024.

Thẩm định để nâng cao chất lượng SGK

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Kim Thúy cho biết: “Về sai sót trong một số cuốn sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học sắp tới. Tuy chia sẻ với khó khăn của Bộ và ngành giáo dục, nhưng tôi cho rằng thái độ của Bộ và các nhà xuất bản trong việc tiếp thu ý kiến phê bình mới là điều khiến cử tri lo lắng, dư luận không đồng tình. Hiện nay hầu hết các ý kiến phê bình, góp ý không được các nhà xuất bản và Bộ trả lời.”

Bộ GD&ĐT bày tỏ những câu hỏi, vấn đề mà Đại biểu Quốc hội, cử tri nêu ra có tác dụng rất lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ GD&ĐT, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

"Sạn" sách giáo khoa gây lãng phí không nhỏ.

Trước một vài hạn chế, thiếu sót trong sách giáo khoa được dư luận phản ánh, Bộ GD&ĐT luôn chỉ đạo các nhà xuất bản giải trình, tiếp thu các ý kiến xác đáng được phản ánh; tổ chức rà soát nội dung sách giáo khoa, báo cáo Bộ GD&ĐT những nội dung cần chỉnh sửa, trình Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa xem xét, thông qua theo đúng quy định.

Khi tiếp nhận báo cáo của các Nhà xuất bản, Bộ GD&ĐT đã nghiêm túc yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa rà soát, kiểm tra và có kết luận cụ thể các nội dung được phản ánh. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung quy trình biên soạn, thẩm định để nâng cao chất lượng sách giáo khoa

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện nghiêm theo quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ đã tổ chức 8 đoàn thanh tra về quá trình các tỉnh, thành phố lựa chọn sách giáo khoa.

Không có việc phải đổi sách giáo khoa cho giáo viên, học sinh đã mua sách

Cùng với đó bà Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi: “Một số trường hợp được trả lời thì không đúng thực tế. Ví dụ, trong văn bản trả lời chất vấn của tôi, Bộ trưởng khẳng định Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn, đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên lớp 6 của Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Nhưng theo phản ánh của giáo viên nhiều trường thì sách chưa được thay bằng sách mới. Muốn biết thông tin nào đúng, thông tin nào sai, chỉ cần kiểm tra hồ sơ thẩm định sách là rõ. Nếu sách được sửa chữa thì việc sửa chữa diễn ra vào thời gian nào. Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định và biên bản của Hội đồng thẩm định quyết định phê duyệt của Bộ trưởng có hay không?”.

Nỗi lo thiếu sách giáo khoa năm học mới là có căn cứ.

Về việc này Bộ GD&ĐT khẳng định việc chỉnh sửa sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên lớp 6 (Kết nối tri thức với cuộc sống) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 33.

Khi phát hiện có một số nội dung cần chỉnh sửa ở 3 trang (157, 160, 189), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có báo cáo để xin ý kiến Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thông qua.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã báo cáo Bộ GD&ĐT về việc đã thu hồi để sửa chữa hơn 110.000 cuốn, hủy sửa in lại 38.000 cuốn.

Việc thu hồi để thay 3 trang sách có nội dung chỉnh sửa được thực hiện khi sách còn đang trong quá trình lưu kho và vận chuyển, chưa được phát hành rộng rãi đến học sinh, giáo viên; việc hủy sửa in lại được thực hiện ngay trong quá trình in ấn chưa đóng quyển bằng cách hủy các bản in có chứa các trang phải chỉnh sửa để in lại và đóng quyển. Vì vậy không có việc phải đổi sách giáo khoa cho giáo viên, học sinh đã mua sách

.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bo-gddt-sach-thu-hoi-khi-con-dang-luu-kho-a611225.html