Bộ GD&ĐT nói gì về mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa 250 tỷ đồng/năm?

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa (SGK) năm 2017. Trong đó, Bộ GD&Đ cho rằng, mức chiết khấu SGK lên đến 25% (tương ứng 250 tỷ đồng mỗi năm) là rất thấp so với mặt bằng sách nói chung của các nhà xuất bản hiện nay (khoảng 35-40%).

Theo Bộ GD&ĐT, mức chiết khấu (phí phát hành) đối với SGK hiện nay (18-20%) là ở mức rất thấp so với mặt bằng chiết khấu đối với mặt hàng sách nói chung của các nhà xuất bản (35% - 40%). Hơn nữa, giá SGK hiện chỉ bằng (30 - 40%) đối với giá của các loại sách khác (có cùng số trang) nên giá trị thu được sau khi phát hành SGK càng nhỏ. Vì thế, các đối tác phát hành không mặn mà với việc phát hành SGK do phần hoa hồng thu được không đảm bảo bù đắp đủ các chi phí lưu thông, bán hàng.

Để kìm giữ được giá SGK như hiện nay đồng thời giảm bớt việc phải bù đắp khoản lỗ trong việc in và phát hành SGK, trong 16 năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD) đã nỗ lực tìm phương án thuyết phục các công ty Sách thiết bị trường học đồng thuận, cùng chia sẻ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành để giảm dần chiết khấu đối với SGK.

Trước năm 2008, mức chiết khấu SGK được áp dụng từ 21% đến 34% tùy theo địa bàn có khó khăn về điều kiện đường xá (đồng bằng - biên giới, hải đảo), phương tiện vận chuyển (Ôtô - xe thồ, xe ngựa) cũng như mức độ phát triển kinh tế. Năm 2008, tại văn bản số 414/CV-NXBGD ngày 6-3-2008, NXBGD ngoài việc đề nghị các nhà in giữ không tăng giá công in SGK, đã đề nghị các công ty Sách Thiết bị Trường học (TBTH) chia sẻ với NXBGDVN một phần khó khăn bằng việc điều chỉnh chiếu khấu phát hành SGK xuống từ 20% đến 27%.

Theo Bộ GD&ĐT, chiết khấu SGK hiện nay thấp hơn so với mặt bằng phát hành sách hiện nay

Năm 2010, tại văn bản số 1983/CV-NXBGDVN, trước bối cảnh giá vật tư , đặc biệt là giấy in và công in tăng cao, NXBGD đã buộc phải đề nghị các công ty Sách TBTH tiếp tục đồng thuận, chia sẻ áp dụng chung mức chiết khấu chung (20%) đối với tất cả các đối tác. “Mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa (18-20%) như hiện nay là một khó khăn rất lớn đối với các Công ty Sách TBTH đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo.

Các đối tác phát hành, các Câu lạc bộ Công ty Sách TBTH ở các miền đã nhiều lần kiến nghị hoặc gửi văn bản đề nghị tăng phí phát hành hoặc hỗ trợ chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, do giá SGK do Bộ Tài chính quản lí chưa được điều chỉnh, NXBGD đang phải bù đắp lỗ nên nên trong các năm qua chưa đáp ứng được các yêu cầu này và đã bị các công ty Sách TBTH phản ứng gay gắt”-Báo cáo của Bộ GD&ĐT nêu rõ.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, việc phát hành sách giáo khoa thông qua hệ thống các Công ty Sách-Thiết bị trường học, các đối tác phát hành thuộc các tỉnh, thành trong cả nước. Toàn bộ các chi phí in ấn và phát hành sách giáo khoa, NXBGD phải tự hạch toán, tự cân đối; hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Ngoài ra NXBGD còn phải vay vốn ngân hàng để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh này. Bên cạnh đó NXBGD là doanh nghiệp Nhà nước nên phải đảm bảo nghĩa vụ với Nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn. Cũng như vậy, toàn bộ các Công ty Sách-Thiết bị trương học, các đối tác phát hành, các đại lí, cửa hàng bán lẻ... trong kênh phân phối sách giao khoa đều hoạt động theo luật doanh nghiệp và chịu tác động của các quy luật của thị trường.

Các cấp đại lay bán hàng phải tự hạch toán, tự cân đối, không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong việc phát hành SGK. “Cũng như mọi hàng hóa khác, để SGK tới được tay học sinh trải qua một quá trình lưu thông trên thị trường. Chiết khấu ở đây được hiểu là phần phí phát hành mà các cấp đại lí trong kênh phân phối dùng để chi trả cho các chi phí trong toàn bộ quá trình bán hàng bao gồm chiết khấu bán hàng (phí phát hành) dành cho các Công ty Sách-TBTH, các đối tác phát hành là 20% (đối tác Chiến lược) và 18% (đối tác Phát hành).

Phần phí này ngoài việc các đối tác dùng để chiết khấu lại cho các đại lí cấp dưới thì còn chi trả cho việc thực hiện các công tác tiếp thị, khuyến mại giảm giá, kho bãi, bao bì, vận chuyển (tới đại lí, nhà trường), bù hao (rách, hỏng do vận chuyển), bảo hiểm hàng hóa; chi phí nhân công, chi phí vốn, chi phí quản lí... thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước và đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp”-Báo cáo nhấn mạnh.

Trước đó, theo báo cáo tóm tắt về kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành SGK giai đoạn 2012-2017 của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chiết khấu SGK của NXB Giáo dục Việt Nam lên đến 250 tỷ đồng/năm. Bà Hoàng Thị Hoa - Phó chủ nhiệm Ủy ban này - cho rằng mức chiết khấu trên là khá cao, chưa thật phù hợp cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn việc chi trả của học sinh.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/chiet-khau-phat-hanh-sach-giao-khoa-len-den-250-ty-dong-nam-bo-giao-duc-va-dao-tao-noi-gi-513078/