Bộ GD&ĐT lưu ý các trường về hình thức kiểm tra trực tuyến

Để đảm bảo kế hoạch năm học, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội đã linh hoạt cho phép các nhà trường tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh (HS) bằng hình thức trực tuyến nếu xét thấy có đủ điều kiện theo Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ GD&ĐT.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT đã nêu 3 lưu ý khi tổ chức kiểm tra, đánh giá HS bằng hình thức trực tuyến.

Theo đó, trường hợp bất khả kháng, HS không thể đến trường làm bài kiểm tra, đánh giá học kỳ 2, hiệu trưởng các trường có thể quyết định hình thức kiểm tra đánh giá học kỳ bằng hình thức trực tuyến.

Trong thông tư 09 nêu rõ, việc kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến phải đảm bảo sự chính xác, khách quan, công bằng, đặc biệt đánh giá đúng năng lực của từng HS. Do vậy các trường cần lưu ý 3 vấn đề.

 Có 3 vấn đề cần lưu ý khi tổ chức cho HS kiểm tra trực tuyến

Có 3 vấn đề cần lưu ý khi tổ chức cho HS kiểm tra trực tuyến

Thứ nhất, việc chuẩn bị đề kiểm tra phải phù hợp với hình thức kiểm tra trực tuyến nhằm đánh giá đúng định hướng phát triển năng lực của HS chứ không chỉ đánh giá sự ghi nhớ kiến thức. Các trường cần chủ động, có đủ ngân hàng đề phòng trường hợp sự cố xảy ra.

Thứ hai, các trường phải chuẩn bị tốt hạ tầng kỹ thuật để kiểm tra. Quy định trong Thông tư 09 nêu, hạ tầng tổ chức kiểm tra cũng giống hạ tầng dạy học trực tuyến nhưng có yêu cầu cao hơn về việc đảm bảo hệ thống máy tính và mạng thông suốt để HS làm bài không gián đoạn.

Thứ ba, việc tổ chức kiểm tra đánh giá trực tuyến cũng rất quan trọng bởi việc này thực hiện qua máy tính nhưng vẫn phải có giám sát, giám thị coi thi trong suốt quá trình HS làm bài. Nếu trong thời gian HS làm bài kiểm tra có sự cố bất thường (như gián đoạn, đường truyền chậm…), các trường phải có quy chế riêng để thống nhất phương án giải quyết, đảm bảo rõ ràng, minh bạch đối với HS và cha mẹ HS.

Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành bày tỏ: “Khi tổ chức kiểm tra, mục tiêu quan trọng nhất vẫn là giúp HS nhìn nhận, đánh giá việc mình đáp ứng yêu cầu môn học đến đâu để phát triển năng lực của bản thân; do vậy luôn đòi hỏi HS phải trung thực. Đó cũng là phẩm chất quan trọng của HS mà chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến và rèn luyện.

Điệp Quyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bo-gddt-luu-y-cac-truong-ve-hinh-thuc-kiem-tra-truc-tuyen-420353.html