Bộ GD&ĐT khuyến cáo gì về việc học tiến sĩ theo hình thức đào tạo từ xa?

Hiện nay có rất nhiều người mong muốn học tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục nước ngoài nhưng theo hình thức đào tạo từ xa và trong thời gian ngắn hạn.

Tuy nhiên có một thực tế mà rất nhiều người vấp phải là người học lại không tìm hiểu kỹ xem cơ sở mà mình tham gia đào tạo có uy tín hay không và bằng cấp sau khi học có giá trị tại Việt Nam hay không.

Có những người chưa có bằng thạc sĩ tại Việt Nam nhưng vẫn đăng lý học chương trình tiến sĩ theo hệ đào tạo từ xa.

Đã có không ít người tốn rất nhiều tiền và thời gian học tiến sĩ, thạc sĩ tại các cơ sở giáo dục nước ngoài nhưng theo hình thức đào tạo từ xa nhưng sau đó lại nhận về những tấm bằng giả hoặc bằng không được Bộ GD&ĐT công nhận.

Vậy có nên học tiến sĩ, thạc sĩ tại các cơ sở giáo dục nước ngoài nhưng theo hình thức đào tạo từ xa hay không? Nếu học thì lựa chọn cơ sở nào để được công nhận bằng cấp?

Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trò chuyện cùng ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng cục Quản lý chất lượng(ảnh:Zing.vn)

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng cục Quản lý chất lượng(ảnh:Zing.vn)

PV: Thưa ông, thời gian qua đã xảy ra trường hợp có những người chưa có bằng thạc sĩ tại Việt Nam nhưng vẫn đăng ký học chương trình tiến sĩ theo hệ đào tạo từ xa. Vậy người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ (chưa có bằng thạc sĩ) phải có điều kiện thế nào?

Ông Trần Văn Nghĩa: Theo Quy chế đào tạo Tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng Bộ GDĐT (khoản 1 Điều 8) thì người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải có điều kiện: “có bằng thạc sĩ phù hợp với chuyên ngành đăng ký dự tuyển. Trường hợp chưa có bằng thạc sĩ thì phải có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại khá trở lên, ngành phù hợp với chuyên ngành đăng ký dự tuyển”.

Theo Quy chế đào tạo Tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT (sửa đổi Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT) khoản 1 Điều 5 quy định người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải: “có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ”.

Điểm b, khoản 3 Điều 3 quy định các học phần bổ sung đối với nghiên cứu sinh chưa có bằng thạc sĩ bao gồm: “…các học phần bổ sung bao gồm các học phần ở trình độ thạc sĩ thuộc ngành hoặc chuyên ngành (sau đây gọi chung là ngành) tương ứng, trừ các học phần ngoại ngữ và luận văn; có khối lượng kiến thức tối thiểu 30 tín chỉ để đảm bảo nghiên cứu sinh đạt chuẩn đầu ra Bậc 7 của Khung trình độ quốc gia và yêu cầu của lĩnh vực, đề tài nghiên cứu.”

Đối với chương trình học liên thông từ văn bằng Cử nhân đại học lên trình độ Tiến sĩ từ xa do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thì việc công nhận học vị phải tuân thủ theo quy định của quốc gia đó.

PV: Đã có nhiều trường hợp, học viên lấy bằng tiến sĩ từ các cơ sở giáo dục nước ngoài nhưng theo hình thức đào tạo từ xa nhưng không được Bộ GD&ĐT công nhận. Vậy khi dự tuyển, học viên cần lưu ý gì để khi có bằng sẽ được công nhận tại Việt Nam?

Ông Trần Văn Nghĩa: Theokhoản 2 Điều 3 Chương 1 Quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT ngày 20/12/2007 quy định: “Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam”.

Hiện nay, Bộ GDĐT chưa cho phép chương trình đào tạo từ xa do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo tại Việt Nam được hoạt động (trừ Chương trình đào tạo từ xa qua mạng trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh do Hội Khuyến học Việt Nam tư vấn hỗ trợ Trường Đại học Nam Colombia, Hoa Kỳ thực hiện.

Tuy nhiên, để được công nhận văn bằng trình độ thạc sĩ do Trường Đại học Nam Colombia, Hoa Kỳ cấp, học viên cần đảm bảo các điều kiện theo Thông báo Kết luận số 40/TB-BGDĐT ngày 11/02/2011 của Bộ GDĐT tại buổi làm việc với Hội Khuyến học). Do đó, những người có văn bằng đào tạo từ xa, ngoài chương trình trên, chưa đủ điều kiện để công nhận văn bằng ở Việt Nam.

PV: Nhằm giúp cho người học tránh tình trạng chọn nhầm những cơ sở đào tạo kém chất lượng, học xong không được Bộ GDĐT công nhận văn bằng, vậy Bộ GDĐT có cảnh báo cáo gì?

Ông Trần Văn Nghĩa: Để tránh tình trạng chọn không đúng cơ sở giáo dục nước ngoài đảm bảo chất lượng, Bộ GDĐT khuyến cáo:

Đối với các chương trình du học hoàn toàn: Người học cần tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình đào tạo để cấp bằng của cơ sở giáo dục đó. Cần tìm hiểu xem cơ sở đào tạo đó có được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng hay không.

Đối với các chương trình đào tạo từ xa do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp: Hiện tại Bộ GDĐT chưa cho phép chương trình đào tạo từ xa do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo tại Việt Nam được hoạt động (trừ Chương trình đào tạo từ xa qua mạng trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh do Hội Khuyến học Việt Nam tư vấn hỗ trợ Trường Đại học Nam Colombia, Hoa Kỳ thực hiện, nhưng học viên cần đảm bảo các điều kiện theo Thông báo Kết luận số 40/TB-BGDĐT ngày 11/02/2011 của Thứ trưởng Bộ GDĐT tại buổi làm việc với Hội Khuyến học). Do đó, người học không nên theo học các chương trình đào tạo từ xa do các cơ sở giáo dục của nước ngoài cấp bằng.

Đối với các chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam: Người học cần tìm hiểu chương trình đào tạo đó có được Bộ GDĐT cho phép liên kết đào tạo tại Việt Nam hay không. Danh mục các chương trình liên kết đào tạo đã được Bộ GDĐT phê duyệt và đăng công khai trên trên website của Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ GDĐT.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bo-gddt-khuyen-cao-gi-ve-viec-hoc-tien-si-theo-hinh-thuc-dao-tao-tu-xa-post245460.info