Bộ GD&ĐT hỗ trợ các trường đại học rà soát lại thí sinh trúng tuyển có nghi vấn

Liên quan đến vụ gian lận thi cử và việc nhiều thí sinh Sơn La, Hòa Bình là thủ khoa các trường Đại học, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẵn sàng hỗ trợ các trường tổ chức rà soát lại thí sinh trúng tuyển có nghi vấn…

Bộ GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ các Đại học rà soát lại thí sinh trúng tuyển

Trao đổi với báo chí trưa 9/8, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Cơ quan điều tra đã xác định được các đối tượng liên quan sai phạm điểm thi ở Hòa Bình và Sơn La. Hiện vụ việc đang được điều tra, làm rõ.

Đặc biệt, ông Mai Văn Trinh cho biết, Bộ GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ các trường đại học trong việc rà soát thí sinh trúng tuyển có nghi vấn liên quan sai phạm.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc có nhiều thủ khoa của một số trường đến từ tỉnh Sơn La, Hòa Bình và đây là điều khiến dư luận đang đặt nghi vấn, Bộ GD&ĐT làm gì để trả lại điểm thật cho thí sinh ở 2 địa phương này, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ giáo dục và Đào tạo cho biết, các đối tượng đã sửa bài thi trắc nghiệm trước khi mang vào máy quét, vì vậy quá trình xử lý không đơn giản. Trước mắt, vẫn phải chấp nhận kết quả hiện nay để thực hiện việc tuyển sinh của các trường.

“Đây chỉ là kết quả tạm thời. Vụ việc đang được điều tra, về nguyên tắc, Bộ GD&ĐT không được phép chia sẻ nhiều thông tin. Hiện tại, các đối tượng đã có lời khai, cũng như đã có danh sách những người có sai phạm. Cơ quan chức năng đang điều tra, dùng các biện pháp kỹ thuật, kể cả công nghệ cao để sớm có giải pháp”, ông Trinh khẳng định.

Theo ông Trinh, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an xác định rà soát điểm thi ở các tỉnh sai phạm là nhiệm vụ trọng tâm. Hiện Bộ Công an đang nỗ lực về nguồn lực và kỹ thuật, tài chính để sớm xác minh những bất thường về điểm thi.

Ông Mai Văn Trinh

Tạm thời chấp nhận kết quả thi, có kết luận điều tra sẽ trả về thực tế

Trước thông tin các trường đã chính thức công bố điểm chuẩn và hiện đang xét tuyển trong khi sai phạm trong thi cử ở một số địa phương vẫn chưa được làm rõ, nhiều thí sinh lo ngại sẽ mất cơ hội vào đại học, ông Mai Văn Trinh cho biết, mỗi năm có khoảng gần 460.000 thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học. Số thí sinh tăng điểm nhờ gian lận là không nhiều.

“Về lý thuyết, có tỉ lệ nào đó gọi là "mất chỗ" nhưng thực tiễn là ít. Nếu câu chuyện này xảy ra, các trường đại học sẽ có ý kiến, trực tiếp trao đổi với Bộ GD&ĐT và đơn vị liên quan như Bộ Công an.” – ông Trinh nói.

Theo ông Mai Văn Trinh, hiện nay tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng dựa trên tinh thần tự chủ. Chẳng hạn, phương thức thế nào, hình thức tuyển sinh ra sao, sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia ở mức độ nào… là quyền của các trường.

Theo đó, để đảm bảo chất lượng, các trường có giải pháp riêng như: Sơ tuyển, đánh giá năng lực hoặc hệ số điểm cho môn chính, hình thức rất đa dạng.

"Nếu các trường cần, Bộ GD&ĐT hỗ trợ tùy vào yêu cầu của từng trường và khi có kết quả cụ thể của các trường, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét.” – ông Trinh cho biết.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh: “Tuy nhiên, một giải pháp căn cơ, bài bản mà chúng tôi rất muốn làm là các trường phải siết chặt đào tạo, sàng lọc chuẩn xác, để đến lúc nào đó tuyển sinh trở nên nhẹ nhàng, học sinh không cần phải gian lận”.

Trước thông tin các trường an ninh, quân đội có nhiều thí sinh ở Hòa Binh, Sơn La, Lạng Sơn, ông Trinh đánh giá, báo chí đã đưa ra những con số rất xác đáng, “nhưng không nên đặt vấn đề tất cả học sinh đều liên quan gian lận thi cử, như thế rất tổn thương các em.”

“Chúng ta đang trong quá trình xử lý. Do đó, trước mắt tạm thời chấp nhận kết quả để tuyển sinh và thực tế các em đã được xét tuyển. Có kết quả điều tra sẽ soi chiếu quy chế để xử lý, lúc đó sẽ trả về thực tế, thậm chí xử lý ở mức độ cao nhất”, ông Trinh cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, đại diện Học viện An ninh nhân dân cho biết mong muốn cấp trên tiến hành nghiên cứu và rà soát, trường hợp cần thiết, có thể đối chiếu điểm thi với bài thi gốc của một số thí sinh trúng tuyển, nhất là các địa phương đang có nghi vấn gian lận điểm thi.

Trước thông tin này, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Lạng Sơn, khẳng định: "Nếu quy định của pháp luật cho phép, Lạng Sơn sẵn sàng ủng hộ và hợp tác".

Ông Hồ Tiến Thiệu cũng nhấn mạnh, nếu trong quy chế, quy định cho phép rà soát, đối chiếu điểm thi với bài thi gốc của một số thí sinh trúng tuyển thì "chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, không giấu cái gì". Tuy nhiên, ông Thiệu cũng nói: "Nhưng vấn đề là quy chế, quy định có cho phép làm như thế hay không?"

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201808/gian-lan-thi-cu-bo-gdampdt-ho-tro-cac-truong-dai-hoc-ra-soat-lai-thi-sinh-trung-tuyen-co-nghi-van-611335/