Bộ GD-ĐT giải trình các vấn đề nóng

Trong báo cáo của Bộ GD-ĐT gửi Quốc hội giải trình về những công việc đã và đang triển khai, có nhiều nội dung từng là 'điểm nóng' chú ý của dư luận thời gian qua, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh: THÚY HẰNG

Đến nay, vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia vẫn tiếp tục được cơ quan an ninh điều tra.

Gian lận chấn động

Lần đầu tiên trong ba năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, một loạt vụ gian lận xảy ra ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và nhiều nghi vấn về bất thường trong kết quả thi ở một số tỉnh, thành gây chấn động dư luận.

330 bài thi của 114 thí sinh ở Hà Giang sửa từ 1-8 điểm khiến nhiều người sốc vì hành vi gian lận trắng trợn. Nhưng nếu như Hà Giang có thể khôi phục điểm thi gốc thì tại Hòa Bình, Sơn La, gian lận tinh vi khiến việc khôi phục điểm thi gốc gặp khó khăn.

Việc Bộ GD-ĐT phải tạm chấp nhận kết quả thi của những thí sinh có biểu hiện gian lận gây nên tâm lý hoang mang về sự thiếu công bằng trong tuyển sinh vào các trường ĐH.

Hơn 10 người bị bắt tạm giam sau khi có lệnh khởi tố ở ba tỉnh trên đều là cán bộ, giáo viên trong ngành GD-ĐT và sự việc đến nay vẫn tiếp tục được cơ quan an ninh điều tra.

Gian lận trên đã khiến người đứng đầu Bộ GD-ĐT đứng trước sóng gió và vấn đề cũng quan trọng không kém việc điều tra tiêu cực là phải tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như thế nào.

Những giải pháp chủ yếu để khắc phục

Đã có một loạt hội thảo, hội nghị thu hút các chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh, thành, sở GD-ĐT trong ba tháng qua để bàn về việc này. Đề xuất giữ ổn định phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho tới khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ GD-ĐT báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Trong báo cáo về vấn đề này, ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết kỳ thi năm 2019 sẽ có các điều chỉnh về kỹ thuật trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tổ chức thi năm 2018, chú trọng khâu chấm thi.

Bộ GD-ĐT đang tiến hành rà soát quy trình kỹ thuật và bổ sung các quy định nhằm giám sát chặt chẽ, khách quan các khâu của kỳ thi. Bên cạnh đó, sẽ sửa đổi quy chế để quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, trường ĐH, cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi kèm theo chế tài xử lý các đối tượng vi phạm.

Một số vấn đề cụ thể đã được lãnh đạo bộ đặt ra và hiện đang triển khai là bổ sung, nâng chất lượng ngân hàng câu hỏi thi, xây dựng đề thi đáp ứng mục tiêu chính là công nhận tốt nghiệp THPT, khắc phục bất cập của năm 2018 khi ra đề thi quá khó, cải tiến phương thức chấm thi, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho người tham gia kỳ thi, đặc biệt là khâu giám sát...

Chưa có câu kết

Tuy nhiên, trước kỳ họp Quốc hội, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội và chuyên gia vẫn còn băn khoăn. Những góp ý đáng suy nghĩ mới chỉ dừng ở việc Bộ GD-ĐT ghi nhận mà chưa đưa ra các giải pháp quyết liệt và thuyết phục nhằm ngăn ngừa tiêu cực.

Ví dụ như việc nên chấm thi theo cụm hay chấm chéo, có nên giao cho giảng viên trường ĐH chấm thi không, có nên lắp camera trong các khu vực coi thi, chấm thi không, việc rọc phách bài thi trắc nghiệm có thể xử lý được không... Việc điều chỉnh dạy học và đánh giá quá trình ở bậc phổ thông như thế nào để học sinh có thể bắt kịp những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia...

Không chỉ tập trung vào vấn đề gian lận thi cử, trong báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội còn chỉ ra nhiều vấn đề phải tiếp tục xem xét như nên hay không nên duy trì phương án thi nghiêng hẳn về trắc nghiệm, hạn chế khả năng tư duy, suy luận, sáng tạo của thí sinh?

Có cần thiết tổ chức bài thi tổ hợp chỉ ghép ba môn thành phần lại khiến thí sinh chịu nhiều áp lực, việc coi thi trở nên phức tạp không?...

Những băn khoăn này chưa có câu kết khiến người đứng đầu ngành GD-ĐT chưa có điểm cộng cho việc rốt ráo khắc phục bất cập thi cử.

Nhiều vấn đề khác đang triển khai

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, có nhiều việc đã triển khai có kết quả hoặc đang thực hiện bước đầu có chuyển biến tốt. Cụ thể, ở bậc ĐH là vấn đề quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và đào tạo giáo viên.

Trong đó, đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, kiên quyết giải thể các cơ sở đào tạo ĐH chất lượng yếu, kém; có chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, sáng tạo trong các cơ sở giáo dục ĐH; thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế trong GD-ĐT chất lượng cao.

Ở bậc phổ thông, việc quy hoạch phát triển trường mầm non, nhất là ở các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu vực đông dân cư theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa được triển khai quyết liệt, cùng với các giải pháp quản lý chặt chẽ việc cấp phép, tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động và hoạt động đối với giáo dục mầm non.

Ngoài ra là việc thực hiện các giải pháp giáo dục hướng nghiệp, ứng dụng CNTT trong dạy học, đưa nhiều hình thức, phương pháp giáo dục kỹ năng sống, lối sống, rèn luyện thể chất, tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm sai quy định, lạm thu, vi phạm đạo đức nhà giáo, chống bạo lực học đường...

Báo cáo của Bộ GD-ĐT gửi Quốc hội cũng có một phần nội dung đề cập đến giải pháp về đội ngũ giáo viên. Trong đó có những nội dung đáng chú ý như ban hành quy định về trình độ đào tạo bằng tốt nghiệp thứ 2 trình độ ĐH, trình độ CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên để làm cơ sở đào tạo văn bằng 2 cho giáo viên dôi dư cấp THPT, THCS điều chuyển dạy mầm non, tiểu học.

Việc "chuyển giáo viên dôi dư ở cấp học này sang cấp học khác" đang là giải pháp tình thế, nhưng thời gian qua do việc này được làm cứng nhắc, không có thời gian cho giáo viên tập huấn, đào tạo bổ sung nên gây bức xúc ở nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đang yêu cầu các địa phương sắp xếp các điểm trường phù hợp, giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập để có điều kiện bổ sung cho nơi còn thiếu biên chế giáo viên, rà soát đội ngũ giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp để có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo mới...

Tuy đây là những nỗ lực đáng ghi nhận nhưng vẫn thiếu giải pháp quyết liệt như mạnh dạn mở rộng các mô hình thí điểm tự chủ, phá rào cản "biên chế" để giải quyết ngay vấn đề cho nhiều điểm nóng về thiếu giáo viên trên cả nước.

Đặc biệt là việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng cho chương trình mới sẽ triển khai vào năm 2020-2021 vẫn là nỗi lo khi sự chuyển mình của các trường sư phạm trọng điểm vẫn chậm chạp, sự thu hút người tài vào ngành sư phạm không hiệu quả.

SGK vẫn chờ chương trình

Theo báo cáo, Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện thông tư ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và sẽ ban hành trong tháng 10-2018.

Trước đó, Bộ GD-ĐT từng dự kiến ban hành chương trình mới vào tháng 8-2018. Vì chờ chương trình nên các tổ chức, cá nhân viết SGK cũng vẫn chưa công khai việc thực hiện biên soạn. Bộ GD-ĐT cũng chưa công bố rõ ràng về phương án triển khai cụ thể việc xây dựng một bộ SGK do bộ chủ trì như thế nào.

Trong khi đó, những lùm xùm về nhiều bất cập do tình trạng độc quyền SGK dẫn tới lãng phí khi sách chỉ dùng một lần, việc phụ huynh phải chịu gánh nặng tài chính khi phải mua sách mới, mua sách tham khảo do những tiêu cực xảy ra trong quá trình phát hành sách theo hệ thống trường học. Điều này cũng đang khiến dư luận lo ngại khi thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK sẽ có thể phát sinh tiêu cực nếu không kiểm soát tốt.

Theo Tuổi trẻ

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bo-gddt-giai-trinh-cac-van-de-nong-post279991.info