Bộ GD&ĐT giải thích những vấn đề dư luận thắc mắc về kỳ thi THPT QG 2017

Chiều 24/6 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Thứ trưởng bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga tại cuộc họp báo

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên thí sinh được thi ĐH ngay tại địa phương mình mà không phải đi xa do Sở GD&ĐT chủ trì. Kỳ thi năm nay xích gần hơn với mục tiêu đổi mới giáo dục.

Đây cũng là năm đầu tiên tổ chức thi trắc nghiệm khách quan với tất cả các môn trừ môn Văn nên chúng ta rút ngắn được thời gian. Mỗi thí sinh trong một phòng có một mã đề thi khác, giảm thiểu tối đa hiện tượng quay cóp và nhìn bài nhau.

Bộ GD&ĐT cũng đã thành lập đoàn kiểm tra hướng dẫn cho địa phương điều chỉnh công tác thi phù hợp với tình hình của từng địa phương mà vẫn đúng quy chế.

Đề thi năm nay có 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao nhằm phân hóa thí sih phục vụ cho xét tuyển vào ĐH, CĐ”.

Những ngày vừa qua, dư luận đang tranh cãi về đề thi môn Văn THPT quốc gia hỏi về “sự thấu cảm” chưa thực sự phù hợp. Đó là chưa kể, 7 mã đề thi Vật lý phải đính chính, rồi giữa các mã đề không có sự đồng đều về kiế thức, có đề khó nhưng cũng có những đề rất dễ?

Chia sẻ về công tác ra đề, ông Sái Công Hồng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý & Đo lường chất lượng (Bộ GD&DT) cho hay: “Kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây, chúng ta chưa xây dựng ngân hàng câu hỏi thi theo các tiêu chuẩn hóa quốc tế.

Năm nay, Bộ GD&ĐT đã chủ trương xây dựng ngân hàng thi chuẩn hóa, tất cả các câu hỏi trong đề thi đã được thử nghiệm cho các em học sinh lớp 12 ở hơn 50 trường.

Trong quá trình thử nghiệm đó, tổ ra đề đã biết được độ khó, dễ của đề thi chứ độ khó dễ không phải đánh giá bằng cảm nhận chủ quan của tổ ra đề. Sau quá trình thử nghiệm chúng tôi mới chuẩn hóa để cân bằng độ khó của đề thi.

Nói về sự đồng đều của các đề thi, chúng tôi áp dụng công nghệ xây dựng đề thi chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, (16p).

Nói về độ khó của đề thi tương đương nhau thì phải so sánh cả đề thi này với đề thi kia chứ không so sánh độ khó của từng câu. Chỉ khi phân tích điểm trung bình của các mã đề thì mới biết độ khó giữa các đề với nhau như thế nào. Với 24 mã đề thi trong 1 phòng rất khó để các em có thể trao đổi với nhau.

Về công tác ra đề thi môn Văn gây tranh cãi, nhiều người cho rằng đề thi bị nhầm, ông Sái Công Hồng giải thích: “Ngay trong khi soạn thảo, chúng tôi đã yêu cầu tổ ra đề Văn phân tích. Tổ ra đề Văn khẳng định đề Văn là chính xác gồm 2 phần riêng biệt.

Chúng tôi cũng nắm được, sau khi thi dư luận chủ yếu tranh cãi về phần đọc hiểu, tuy nhiên việc lấy ngữ liệu ở đâu, lấy thế nào thì chúng tôi không thể tiết lộ vì đó là quy định bảo mật”.

Còn về việc sư luận thắc mắc cùng một môn thi nhưng có mã đề dễ, có mã đề thì kiến thức lại khó hơn tạo nên sự không công bằng. Ông Sái Công Hồng khẳng định: “ Phần bố trí đáp án là phần mềm tự trộn và tạo ra đáp án. Mỗi mã đề có vị trí đáp án rơi vào mã đề khác nhau.

Về đề thi Vật lý, chúng tôi chỉ có 8 ngày để chuyển đề chính thức đi và chúng tôi rà soát đề chính thức và làm đề dự phòng. Quá trình rà soát chúng tôi phát hiện một câu hỏi thiếu mất một ký tự nên chúng tôi xin phép ý kiến của Ban chỉ đạo.

Cuối cùng, Ban chỉ đạo chọn giải pháp, mỗi mã đề thi tương đương với 1 em được gắn một mã đề thi đính chính và ghi rất rõ: “Lưu ý, đính chính là một phần của đề thi Vật lý” và trực tiếp đưa tới từng em một chứ không phải ghi lên bảng. Chúng tôi đã chủ động trong việc này”.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bo-gddt-giai-thich-nhung-van-de-du-luan-thac-mac-ve-ky-thi-thpt-qg-2017-post230552.info