Bộ GD&ĐT đề xuất bổ sung hơn 20.000 biên chế GV mầm non

Bộ GD&ĐT đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế giáo viên cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và năm tỉnh Tây Nguyên.

Sáng 6-8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020.

Theo báo cáo tại hội nghị, năm học 2018-2019, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và năm tỉnh Tây Nguyên. Trong đó bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non (GVMN) cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học là Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Tiền Giang, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Bình Dương, Hải Dương, Bắc Ninh, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An. Năm tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông.

Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 sáng 6-8. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 sáng 6-8. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Riêng Hà Nội, tại kỳ họp HĐND đã nêu phương án của UBND Hà Nội đưa ra là xét tuyển hết số GV đã ký hợp đồng, đóng bảo hiểm trên năm năm rồi mới thi tuyển số còn lại.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết Hà Nội, Quảng Ngãi và một số địa phương đã triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT về rà soát đội ngũ và vấn đề thừa, thiếu, hợp đồng GV tại các cơ sở GDMN, phổ thông. Đã xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu đội ngũ ngành giáo dục.

Tuy nhiên, bên cạnh đó một số địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ như Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Nam Định. Nhiều tỉnh còn thiếu GVMN, phổ thông theo định biên quy định như Quảng Ninh, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…

Ngoài ra, còn tình trạng một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số (hằng năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10%), do vậy không có biên chế để tuyển mới, dẫn đến thiếu GV, nhất là GVMN.

Song song với đó, chế độ chính sách đối với GV còn chưa tương xứng với loại hình lao động mang tính đặc thù cao trong xã hội. Việc GV được điều động về các cơ quan quản lý giáo dục không được tiếp tục hưởng phụ cấp ưu đãi khiến việc điều động gặp khó khăn, chính sách tiền lương đối với GVMN hiện tại không còn phù hợp...

MAI HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/bo-gddt-de-xuat-bo-sung-hon-20000-bien-che-gv-mam-non-850257.html