Bộ GD&ĐT đề nghị chưa tăng học phí

Chỉ sau một ngày công bố dự thảo tăng học phí các cấp học, ngày 13-11, Bộ GD&ĐT cho biết đã đề xuất giữ nguyên mức học phí như hiện hành.

Bộ GD&ĐT đã xin ý kiến Chính phủ giữ nguyên mức học phí hiện hành ở tất cả cấp học thay vì áp dụng dự thảo mới vừa được đăng tải lấy ý kiến vào ngày 12-11.

Sinh viên ĐH GTVT TP.HCM đóng học phí đầu năm học. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sinh viên ĐH GTVT TP.HCM đóng học phí đầu năm học. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nghị định cũ sắp hết hiệu lực

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo nghị định “Cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để thay cho Nghị định số 86/2015 là vì Nghị định số 86 sắp hết hiệu lực vào cuối năm học 2020-2021.

Bộ GD&ĐT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan có liên quan xây dựng nghị định thay thế Nghị định 86.

Chính phủ cũng giao thời hạn trình Chính phủ hồ sơ dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86 theo kế hoạch là cuối tháng 12-2020.

Để xây dựng dự thảo này, Bộ GD&ĐT đã thực hiện khảo sát chi phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo từ cấp mầm non đến ĐH, làm căn cứ đề xuất mức học phí giai đoạn tiếp theo.

Trong dự thảo nghị định, Bộ GD&ĐT đề xuất tăng học phí ở tất cả cấp học.

Năm học 2021-2022, ở khu vực thành thị, mức sàn và trần là 300.000-540.000 đồng đối với bậc mầm non; 300.000-650.000 đồng với bậc phổ thông.

Mỗi năm học sau đó, mức tăng sẽ là 7,5% với bậc học mầm non, phổ thông.

Đối với ĐH, mức tăng học phí trung bình 12,5%. Mức trần học phí với các trường công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng trong nước.

Trước thắc mắc học sinh tiểu học công lập được miễn học phí nhưng dự thảo nghị định lại quy định khung học phí, ông Phạm Ngọc Thưởng giải thích do Nghị định 86/2015 không quy định mức học phí nên không có cơ sở để cấp bù ngân sách.

"Nghị định số 86 của Chính phủ quy định học sinh tiểu học không phải đóng học phí. Tuy nhiên, Nghị định này không quy định mức thu học phí đối với giáo dục tiểu học nên không có mức cấp bù ngân sách cho đối tượng học sinh tiểu học không phải đóng học phí. Hiện nay, các cơ sở giáo dục tiểu học chỉ được Nhà nước cấp kinh phí chi hoạt động thường xuyên để duy trì hoạt động giáo dục của nhà trường. Mức cấp ngân sách này trên thực tế còn hạn chế, do đó các cơ sở giáo dục tiểu học còn gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, ngân sách nhà nước được chuyển từ hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.

Luật Giáo dục 2019 tiếp tục duy trì chính sách miễn học phí cho học sinh tiểu học công lập và mở rộng việc hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập ở địa bàn không đủ trường công lập. Bộ GDĐT xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86 tuân thủ yêu cầu này của Luật. Tuy nhiên, để có cơ sở hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh ngoài công lập, đồng thời có căn cứ và minh bạch ngân sách cấp cho các cơ sở giáo dục tiểu học, dự thảo Nghị định có quy định khung giá dịch vụ (khung trần học phí đối với các cơ sở giáo dục tiểu học).

Điều này nhằm tiến tới việc Nhà nước cấp ngân sách theo đối tượng thụ hưởng (cấp trực tiếp cho học sinh) để đóng cho nhà trường hoặc Nhà nước nếu cấp ngân sách theo phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Đảng", ông Thưởng cho biết.

Xin lùi một năm vì COVID-19, bão lũ

Theo Bộ GD&ĐT, khung học phí năm học 2021-2022 được đưa ra căn cứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021-2025, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội và chia sẻ với gia đình người học. Việc tăng học phí đối với bậc mầm non - tiểu học (cấp học đang được Nhà nước hỗ trợ học phí) sẽ tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp học này, mà người thụ hưởng trực tiếp là người học.

Thế nhưng trong quá trình Bộ GD&ĐT lắng nghe góp ý, Bộ GD&ĐT cũng thấy tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đồng thời nước ta vừa trải qua nhiều đợt bão, lũ nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.

Để chia sẻ và giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và học sinh, Bộ GD&ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đề xuất xem xét, cho phép được gia hạn thời gian áp dụng Nghị định số 86 đối với năm học 2021-2022, mức học phí giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp áp dụng theo mức học phí của năm học 2020-2021. mức học phí mầm non, phổ thông áp dụng theo khung của năm học 2020-2021 và tiếp tục giao HĐND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương để xem xét, phê duyệt.

Các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các quy định khác vẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86 và các văn bản liên quan đã ban hành.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị được lùi thời gian trình dự thảo nghị định mới sang năm 2021 để có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định này.•

Tăng học phí là phù hợp nhưng chưa phải lúc này

Ông Đặng Đình Quý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, cho hay chủ trương tăng học phí là phù hợp. Bởi mức học phí hiện nay thấp hơn rất nhiều so với thu nhập của người dân. Việc tăng học phí sẽ hỗ trợ rất nhiều đến hoạt động học tập của học sinh, tuy nhiên nếu tăng phải có lộ trình phù hợp, mức tăng vừa phải để tránh gây thêm gánh nặng cho phụ huynh.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết việc tăng học phí để đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội ngày càng phát triển là cần thiết. Tuy nhiên, việc tăng học phí đưa ra trong thời điểm này là không phù hợp. Bởi tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước ta tuy được kiểm soát khá tốt nhưng chưa được khống chế triệt để, còn có thể có những diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế của đất nước và đời sống của người dân, bên cạnh đó thiên tai, bão lũ liên tục diễn ra ở miền Trung...

Ngoài ra, theo ông Ngai, muốn tăng học phí cần phải có sự khảo sát cụ thể để xác định nhu cầu cần kinh phí so với kinh phí hiện có được từ mức thu hiện nay ở từng bậc học, từng vùng miền. Từ đó, Bộ GD&ĐT mới đề xuất lộ trình tăng học phí phù hợp so với khả năng đóng góp ở người dân từng vùng miền sao cho phù hợp. NGUYỄN QUYÊN ghi

HÀ PHƯỢNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/bo-gddt-de-nghi-chua-tang-hoc-phi-949882.html