Bỏ gần 500 triệu mua xe máy biển 'ngũ quý 9', vì sao Huấn Hoa Hồng gặp rắc rối?
Theo luật sư, pháp luật đã có quy định, ôtô, xe máy là tài sản có đăng ký quyền sở hữu, thủ tục mua bán, chuyển nhượng bắt buộc phải có công chứng và phải đăng ký sang tên.
Ngày 13/8, liên quan đến tài khoản mạng xã hội có tên là Huấn Hoa Hồng phát đi đoạn clip dài gần 8 phút có nội dung, chủ tài khoản phản ánh gặp rắc rối sau khi bỏ gần 500 triệu mua lại chiếc xe máy nhãn hiệu Honda SH mang BKS "ngũ quý" 97B1-999.99 (tỉnh Bắc Kạn), PV Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp để làm rõ tình huống pháp lý của sự việc này.
Theo Luật sư Cường, Huấn Hoa Hồng có khả năng sẽ gặp rủi ro, vì theo quy định của pháp luật, ôtô, xe máy là tài sản có đăng ký quyền sở hữu, thủ tục mua bán, chuyển nhượng bắt buộc phải có công chứng và phải đăng ký sang tên.
"Hơn nữa, pháp luật quy định hiệu lực từ thời điểm đăng ký sang tên, nếu không sang tên thì giao dịch đó chưa có hiệu lực pháp luật và chưa được pháp luật bảo hộ", ông Cường lý giải.
Cũng theo Luật sư Cường, hiện pháp luật đã có sự thay đổi về định danh đối với biển số xe. Chính vì vậy, trước khi tổ chức thực hiện các quy định biển số ôtô, xe máy theo người thì các cơ quan chức năng đã tuyên truyền một thời gian rất dài và gần như tất cả các cơ sở kinh doanh mua bán xe cũ và người dân đều biết việc đó.
Đồng thời, pháp luật cũng quy định, khi văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền ban hành và được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thì mọi người dân đều có trách nhiệm phải tiếp cận, phải biết.
"Trước đây cũng đã có quy định bắt buộc người dân khi mua bán ôtô, xe máy cũ phải sang tên chính chủ, những người không thực hiện thủ tục sang tên đồng nghĩa chấp nhận tình huống rủi ro phát sinh trong thực tế lưu thông", Luật sư Cường nói.
Luật sư Cường thông tin thêm, nếu trước thời điểm thực hiện định danh cá nhân, Huấn Hoa Hồng mua xe ở tỉnh khác mà rút hồ sơ về đăng ký lại ở địa phương mình đang sinh sống thì rõ ràng biển số xe đấy cũng không còn nữa. Vấn đề là, khi đã có quy định mới về biển số định danh cá nhân theo người, đáng lẽ ra, để giảm thiểu rủi ro, Huấn Hoa Hồng phải yêu cầu người bán xe định danh cá nhân, sau đó bán lại cho Huấn Hoa Hồng thực hiện thủ tục đăng ký lại. Nhưng thời điểm Huấn Hoa Hồng mua xe lại không thực hiện thủ tục đó và bây giờ đã không còn trường hợp này.
Còn về phía chủ xe (đã bán xe biển số "ngũ quý 9" cho Huấn Hoa Hồng), việc mua bán là công khai và hợp đồng đấy chưa có hiệu lực pháp luật vô hiệu và khi họ đăng ký lại xe, biển xe theo người thì họ đang thực hiện đúng quy định pháp luật hiện nay. Trường hợp này là tranh chấp dân sự và Huấn Hoa Hồng nếu thấy không thỏa đáng, các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án để được Tòa án xem xét tính hợp pháp của hợp đồng chuyển nhượng, mua bán xe trước đây.
Tạp chí Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Tối 11/8, tài khoản mạng xã hội có tên là Huấn Hoa Hồng (tên thật là Bùi Xuân Huấn, quê Yên Bái) phát đi đoạn clip, trong đó anh này chia sẻ sự việc đã mua chiếc xe SH biển số 97B1-999.99 với giá 490 triệu đồng vào ngày 14/7/2023.
Sau khi mua xe, anh Huấn liên hệ với người chủ cũ để làm thủ tục thu hồi biển số "ngũ quý 9", làm thủ tục định danh và chuyển biển số này sang xe khác. Tuy nhiên, chủ cũ nói rằng chỉ bán xe, không bán biển số. Lúc này, Huấn phát hiện biển số "ngũ quý 9" đã được gắn vào một chiếc xe máy khác (chủ xe này không phải anh Huấn).
Anh Huấn cho biết, sự việc trở nên phức tạp hơn khi chiếc xe được anh bán cho một người khác và khi rắc rối xảy ra, bản thân anh sẽ phải "đứng mũi chịu sào" về các vấn đề pháp lý liên quan.