Bộ đội về, buôn làng no ấm

Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập, tự do của Tổ quốc, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) các đơn vị lực lượng vũ trang (LLVT) trên địa bàn Tây Nguyên không quản gian khổ, ngày đêm bám buôn làng giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo (XÐGN), nâng cao đời sống về mọi mặt và giữ gìn sự bình yên cho cuộc sống của người dân. Vì vậy, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên luôn dành cho CBCS các đơn vị trên địa bàn tình cảm thân thiết và cách gọi gần gũi, thân thương: 'Bộ đội của buôn làng'.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ðác Lắc giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng sâu Krông Bông sửa chữa nhà cửa.

Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, ở Tây Nguyên mưa dầm dề, không ngớt. Nhưng CBCS Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Buôn Ðôn (Ðác Lắc) vẫn miệt mài giúp đỡ bà con buôn Ðrăng Phốc, xã Krông Na, huyện Buôn Ðôn sản xuất cho kịp mùa vụ. Thượng tá Nguyễn Cao Dương, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Buôn Ðôn cho biết: Buôn Ðrăng Phốc nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Yook Ðôn, giáp với biên giới Cam-pu-chia. Toàn buôn hiện có 127 hộ, với 497 khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Ðây là buôn đặc biệt khó khăn của huyện, thu nhập của người dân chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp, nhưng do tập quán sản xuất lạc hậu cho nên đời sống hết sức khó khăn. Với trách nhiệm và tình cảm của Bộ đội Cụ Hồ, Ban CHQS huyện tổ chức cho CBCS về buôn hỗ trợ người dân làm ruộng, nạo vét khơi, thông kênh, mương, hướng dẫn bà con thay đổi tập quán sản xuất và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… Trong đợt này, bộ đội xây dựng thửa ruộng mô hình kiểu mẫu, với diện tích 800 m2, đầu tư giống và các loại phân bón, hướng dẫn người dân kỹ thuật làm lúa nước... Ðược sự hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên của bộ đội cho nên tỷ lệ hộ nghèo ở buôn Ðrăng Phốc từ 90% năm 2015, nay giảm xuống còn 61%; nhiều hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đã có điều kiện, động lực vươn lên phát triển kinh tế. Ông Y Phưn Ksơr, một trong những hộ dân được bộ đội giúp đỡ vươn lên thoát nghèo cho biết: Bà con ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng do trước đây không có kênh, mương thủy lợi và phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu, chủ yếu dựa vào thiên nhiên cho nên năng suất cây trồng rất thấp, thiếu đói quanh năm, phải dựa vào rừng để sống. Những năm gần đây, được bộ đội giúp đỡ sửa sang nhà cửa, hướng dẫn trồng cà-phê, cây ăn quả, nhất là giúp khai hoang ruộng đất, đào vét kênh, mương, hướng dẫn bà con làm ruộng nước. Nhờ đó, cuộc sống của người dân không còn khó khăn như trước đây nữa.

Nằm gần trung tâm TP Buôn Ma Thuột, nhưng xã Hòa Xuân có đến 50% số dân là đồng bào DTTS. Những năm trước đây, do thiếu đất sản xuất và tập quán canh tác lạc hậu, cho nên cuộc sống của phần lớn người dân trong xã còn gặp nhiều khó khăn. Lợi dụng tình hình đó, các đối tượng xấu lén lút về các buôn làng kích động bà con gây mất an ninh trật tự. Trong những ngày Tháng Tám lịch sử năm nay, trở lại xã Hòa Xuân, chúng tôi nhận thấy rõ sự đổi thay của địa phương này. Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê-tông sạch, đẹp nối liền các buôn làng, Bí thư Ðảng ủy xã Hòa Xuân Nguyễn Hữu Toàn vui mừng cho biết: Ðến nay, hầu hết các con đường liên buôn, liên thôn trong xã đã được bê-tông hóa sạch đẹp, bộ mặt các buôn làng có nhiều khởi sắc. Toàn xã có 2.058 hộ dân nhưng chỉ còn 75 hộ nghèo và xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017... Có được những kết quả này là nhờ công đóng góp không nhỏ của CBCS Tiểu đoàn bộ binh 303 (Trung đoàn 584, Bộ CHQS tỉnh Ðác Lắc). Ðại úy Rahlan Huỳnh, Chính trị viên Tiểu đoàn 303 chia sẻ: "Là đơn vị đóng quân trên địa bàn xã, ngoài thời gian huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đơn vị thường xuyên tổ chức cho CBCS về các buôn, làng giúp dân làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ cây, con giống và hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cà-phê, hồ tiêu... Từ Chương trình "Hũ gạo vì người nghèo", mỗi năm đơn vị tiết kiệm được 40 triệu đồng kết hợp với các nguồn kinh phí khác để mua bò giống hỗ trợ cho các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo". Trò chuyện với chúng tôi, bà H’Ré ở buôn Buôr, xã Hòa Xuân niềm nở: "Trước đây, gia đình tôi thiếu đất, thiếu vốn, cuộc sống rất khó khăn. Năm 2012, gia đình tôi được Tiểu đoàn 303 hỗ trợ một con bò, một đàn gà 20 con và cho mượn ba sào đất để sản xuất. Bộ đội còn tận tình hướng dẫn cách chăm sóc bò, gà và thường xuyên về giúp làm nương rẫy cho nên đến nay, gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo. Gia đình tôi biết ơn bộ đội nhiều lắm!

Bon Choih, xã Ðức Xuyên, huyện Krông Nô (Ðác Nông) có 96 hộ dân, trong đó có 50 hộ đồng bào DTTS tại chỗ đều thuộc diện đói nghèo. Năm 2013, sau khi ký kết đỡ đầu xây dựng nông thôn mới với xã Ðức Xuyên, Bộ CHQS tỉnh Ðác Nông phối hợp chính quyền địa phương huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ giúp đỡ bà con bon Choih vươn lên thoát nghèo. Cụ thể, đến nay đã xây tặng tám căn nhà cho hộ nghèo, với số tiền 380 triệu đồng; hằng năm, CBCS đơn vị đều về ăn Tết với bà con và tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí; tặng một cặp bò sinh sản cho hộ nghèo và giúp đỡ gần 1.300 ngày công lao động để phát dọn, khai hoang đất sản xuất, làm đường bê-tông giao thông nông thôn, nạo vét kênh thủy lợi… Nhờ đó, đời sống của người dân bon Choih đã có thay đổi lớn, hàng chục hộ đồng bào DTTS tại chỗ đã thoát nghèo, một số trở nên khá giả, nuôi con cái học hành đến nơi, đến chốn. Dẫn chúng tôi đi thăm các hộ dân trong bon, ông Y Thiên, Bon Trưởng bon Choih phấn khởi cho biết: "So với trước đây thì bon Choih bây giờ hoàn toàn thay đổi, có đường lớn ô-tô vào tận bon; điện lưới quốc gia, trường học, nhà văn hóa cộng đồng được đầu tư kiên cố, khang trang; nhiều gia đình xây dựng được nhà kiên cố, mua sắm đầy đủ các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Những năm gần đây, bon được Nhà nước đầu tư xây dựng đập thủy lợi, bộ đội về hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, đào mương dẫn nước về đồng ruộng, cho nên một năm canh tác được hai vụ lúa cho năng suất cao. Kể từ ngày có bộ đội về đến nay, bon làng ngày càng no ấm.

Bon Choih chỉ là một trong nhiều thôn, bon ở Ðác Nông được bộ đội hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân XÐGN, làm thay đổi toàn diện bộ mặt bon làng. Thượng tá Ðặng Văn Tiến, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Ðác Nông, cho biết: Chỉ trong năm 2017 và sáu tháng đầu năm 2018 đã có gần 16 nghìn lượt CBCS LLVT tỉnh về các bon làng giúp dân xây dựng gần 1,3 km đường bê-tông; sửa chữa, vệ sinh hơn 100 km đường giao thông nông thôn; đào đắp, nạo vét hơn 17 km kênh, mương; sửa chữa 44 nhà ở, 18 nhà sinh hoạt cộng đồng, năm phòng học; giúp dân trồng tỉa, chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, thu hoạch 263 ha lúa, cà-phê, hoa màu các loại; xóa được bốn hộ đói, giảm 12 hộ nghèo, đồng thời hỗ trợ bò, lợn, dê, máy phun thuốc trừ sâu, cây giống, phân bón... với số tiền gần 220 triệu đồng. Ðến nay, trong số 11 xã phối hợp xây dựng nông thôn mới với cơ quan, đơn vị của LLVT tỉnh, đã có một xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Ðác Lắc chia sẻ: Tây Nguyên là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến, mặc dù cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, đói cơm, nhạt muối, nhưng đồng bào Tây Nguyên vẫn một lòng một dạ theo Ðảng, theo cách mạng, che chở, nuôi giấu bộ đội đánh thắng kẻ thù, góp phần giải phóng đất nước. Ðến nay, sau 43 năm ngày đất nước hòa bình, thống nhất, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi lớn. Tuy nhiên, ở nhiều buôn làng vùng sâu, vùng xa, một bộ phận đồng bào cuộc sống vẫn còn gặp khó khăn. Vì vậy, phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, các đơn vị quân đội trên địa bàn ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, còn tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp nhân dân XÐGN. Trong 5 năm qua, thông qua các phong trào như "Dân vận khéo", "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", "Hũ gạo vì người nghèo", "Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo" trên địa bàn đóng quân... LLVT tỉnh Ðác Lắc phối hợp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tu sửa, làm mới được hơn 68 km đường giao thông nông thôn; làm mới và nạo vét hơn 75 km kênh, mương thủy lợi; xây tặng 32 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội trị giá hai tỷ đồng; tặng 16 sổ tiết kiệm, 48 con bò, trâu giống cho 51 hộ nghèo; hỗ trợ giống cây trồng và phân bón trị giá hơn 845 triệu đồng; tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và giúp nhân dân sản xuất với hàng nghìn ngày công lao động..., góp phần giúp cho hàng trăm gia đình chính sách, hộ đồng bào DTTS ở các buôn làng thoát khỏi đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Những ngày Tháng Tám lịch sử này, về các buôn làng Tây Nguyên, đến đâu chúng tôi cũng nghe người dân kể về những tình cảm mà bộ đội dành cho buôn làng. Ðược sự quan tâm đầu tư lớn của Ðảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cùng sự chung tay góp sức của CBCS LLVT trên địa bàn, không chỉ giúp đồng bào các dân tộc ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa đẩy nhanh công tác giảm nghèo mà còn góp phần làm thay đổi toàn diện bộ mặt các buôn làng ở Tây Nguyên.

Bài, ảnh: Nguyễn Công Lý và Nguyễn Văn Yên

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/37406602-bo-doi-ve-buon-lang-no-am.html