Bộ đội Trường Sơn đã chuyển tải sức mạnh của cả dân tộc

Có dịp gặp và trò chuyện với Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Bá Tòng, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Binh đoàn 12 (tiền thân là Bộ đội Trường Sơn) càng thấy được tấm lòng yêu nước, sự dũng cảm trong chiến đấu của người lính Trường Sơn một thời đạn bom, khói lửa. 60 năm đã trôi qua kể từ ngày mở đường Trường Sơn thắng lợi, nhưng tinh thần 'Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước' vẫn còn vẹn nguyên trong lòng Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng. Ông đã cùng đồng đội vượt bao gian khổ, sự đánh phá khốc liệt của kẻ thù, bảo vệ tuyến đường chiến lược vận chuyển sức người, sức của từ miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng (thứ 2 từ phải qua) xúc động khi gặp lại khung cảnh Căng tin Trường Sơn được tái hiện trong một cuộc triển lãm. Ảnh: Thanh Thuận

Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng (thứ 2 từ phải qua) xúc động khi gặp lại khung cảnh Căng tin Trường Sơn được tái hiện trong một cuộc triển lãm. Ảnh: Thanh Thuận

Những ký ức không thể nào quên

Tôi đến Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh trong dịp triển lãm nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019). May mắn tại buổi lễ đó, tôi được gặp Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng. Là người trực tiếp tham gia kháng chiến, ông không thể quên những ký ức trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, một “tượng đài bất tử” của dân tộc Việt Nam trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Trong không khí trang trọng nhưng cũng không kém phần rộn ràng của hoạt động triển lãm về Bộ đội Trường Sơn, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng xúc động trong dòng hồi ức về quãng đời tuổi trẻ cống hiến cho cách mạng, cho đất nước của mình. Ông cho biết, ông sinh ra tại Lạng Sơn, nhập ngũ tháng 9 năm 1965 (lúc 20 tuổi) vào Đại đội 100 pháo cao xạ tỉnh Lạng Sơn, Quân khu Việt Bắc, bảo vệ các khu công nghiệp phía Bắc như Khu gang thép Thái Nguyên, Khu công nghiệp Việt Trì, Nhà máy Supe Lâm Thao...

Năm 1968, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, đơn vị ông được lệnh chuyển sang huấn luyện bộ binh đi B, thuộc biên chế Đại đội 3, Tiểu đoàn 24D, Sư đoàn 304B. Sau 6 tháng huấn luyện, đơn vị ông được điều động hành quân đến Trường Sơn. Cả tiểu đoàn được giữ lại biên chế thành Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98, Đoàn 559. Tại Trường Sơn, Nguyễn Bá Tòng được điều về Đại đội 6 học kỹ thuật công binh, học lý thuyết và thực hành về mở đường, phá bom mìn... trong khoảng 1 tuần.

Xong khóa học đó, chàng thanh niên Nguyễn Bá Tòng nhận lệnh chuyển về đơn vị công binh và được cử đi phá bom mìn. Thời gian đó, chiến tranh phá hoại của Mỹ và ngụy rất khốc liệt. Ðế quốc Mỹ đã tập trung sức mạnh của không quân đánh phá tuyến đường Trường Sơn vô cùng ác liệt, quyết tâm phá hoại bằng được đường Trường Sơn, vì đây là con đường có tầm quan trọng đặc biệt, chi viện toàn bộ sức người, sức của từ miền Bắc phục vụ cho chiến trường miền Nam.

Sự điên cuồng bắn phá của giặc đã làm cho các lực lượng trên đường Trường Sơn phải chịu đựng tổn thất lớn cả về người và phương tiện, hàng hóa. Sau mỗi trận bom, cả đơn vị ông lại khẩn trương khắc phục hậu quả, phá những quả bom chưa nổ sát đường ô tô, san lấp những hố bom trúng đường. Sau khi dùng máy bay phản lực, địch sử dụng máy bay AC.130 trút bom vướng nổ. Ðây là một loại bom gây khó khăn cho lực lượng ta mà nhiều ngày không thể phá hết được, chỉ giải quyết trên mặt đường và chiều sâu hai bên đường 15m để thông đường cho xe hàng vào.

Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng khẳng định, Bộ đội Trường Sơn với trí thông minh, lòng dũng cảm, kiên cường, đã chiến đấu, khắc phục khó khăn làm vô hiệu hóa tất cả các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất của Mỹ chỉ bằng những vật dụng thông thường và thô sơ.

Kỳ tích “cây nhiệt đới”

“Cây nhiệt đới” là một khái niệm mới trong hàng loạt trang bị hiện đại của Mỹ nhằm phát hiện các mục tiêu quân sự và sự di chuyển của bộ đội ta. Mục đích sử dụng của “cây nhiệt đới” là phát hiện chấn động mặt đất, đối với người, cự ly phát hiện từ 25 đến 35m, ô tô từ 200 đến 300m, thời gian hoạt động từ 65 đến 70 ngày. Lúc “cây nhiệt đới” mới xuất hiện, bộ đội ta không biết, nhiều đoàn xe bị bắn phá, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương vong vì “tên chỉ điểm” này. Sau đó, ta cho bộ đội công binh lùng tìm khắp rừng. Khi tìm được “cây nhiệt đới”, quân ta hóa giải nó đơn giản bằng cách buộc gập mấy đầu thu của “cây nhiệt đới”, làm cho thiết bị này không thu được tín hiệu.

Bằng sự thông minh và sáng tạo, người lính Nguyễn Bá Tòng đã sử dụng “cây nhiệt đới” gây khó khăn và tổn thất ngược lại cho chính quân địch. Từ việc đọc tài liệu và “mổ xẻ” thiết bị này ra nghiên cứu, Nguyễn Bá Tòng đã hiểu được tính năng, tác dụng của “cây nhiệt đới”. Ông liền bàn với chỉ huy và anh em đem 3 “cây nhiệt đới” thu được trả về vị trí cũ, bố trí một đài radio và một máy phát điện, cứ đúng 19 giờ 30 phút cho phát 2 loại máy đến 22 giờ mới tắt, cứ thế 3 đêm liền. Ðể có đường cho ô tô, ta mở một đường tránh cách 3km, địch có đánh cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch vận tải của bộ đội. Ðúng như dự đoán, đến ngày thứ 5, khi sáng sớm, quân địch theo tín hiệu từ “cây nhiệt đới” giả, cho một máy bay lượn đi lượn lại, cứ xoáy tròn khu vực quân ta nghi binh, rồi chúc đầu phóng một quả đạn khói vào đúng vị trí của 3 “cây nhiệt đới” rồi chuồn thẳng. Chỉ 10 phút sau, 4 chiếc F.4 và F.105 lao đến gầm rít, thi nhau trút bom vào một khoảng rừng trống sát trọng điểm, làm cho cây đổ ngổn ngang, bùn suối bị bom đào hất tung tóe.

Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng (ngoài cùng, bên trái) vui mừng khi gặp lại đồng đội Trường Sơn. Ảnh: Thanh Thuận

Sự sáng tạo của các lực lượng trên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh dường như vô cùng, vô tận, hết sức phong phú, độc đáo; đã xuất hiện những phương cách “có một không hai” để hạn chế sự đánh phá của địch, vô hiệu hóa nhiều loại vũ khí hiện đại của chúng và khiến cho đối phương không thể hình dung nổi. “Do đó, chúng tôi còn nói vui nhưng là thực tế, đế quốc Mỹ góp phần sửa chữa con đường do chính chúng đánh phá, bom đạn Mỹ cày xới đất đá và chúng ta lấy chính đất đá đó để san lấp hố bom trên đường...” - Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng nói.

Trong dòng ký ức một thời lửa đạn, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng xúc động: “Trường Sơn là nơi mà ý chí của con người Việt Nam chiến thắng mọi tàn bạo của chiến tranh và vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, khắc nghiệt của đại ngàn Trường Sơn. Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển tải sức mạnh của cả dân tộc, để quân và dân ta chiến đấu giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bo-doi-truong-son-da-chuyen-tai-suc-manh-cua-ca-dan-toc/