Bộ đội Biên phòng là lực lượng gần dân, sát dân nhất

'Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, BĐBP luôn có mặt đầu tiên để giúp dân. Tôi cho đó là hình ảnh rất đẹp về người lính Biên phòng trong mắt người dân' - Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp với phóng viên Báo Biên phòng khi đánh giá về vai trò của lực lượng BĐBP trong việc tham gia giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, phòng chống thiên tai, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Kim Nhượng

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Kim Nhượng

- Thưa Thứ trưởng, nước ta vừa tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo đồng chí, lực lượng BĐBP có vai trò như thế nào trong sự đồng hành với cấp ủy, chính quyền và nhân dân biên giới thực hiện xây dựng NTM?

- Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Thủ tướng Chính phủ đánh giá: “Phong trào NTM đã đi vào lịch sử, tạo ấn tượng lớn cho xã hội”. Tôi được biết, tất cả những chỉ tiêu chương trình đặt ra đều vượt, đời sống của nhân dân được nâng cao so với kỳ vọng rất nhiều. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp của cả hệ thống chính trị, nhưng chúng tôi đánh giá rất cao lực lượng Quân đội nói chung và lực lượng BĐBP nói riêng.

Với đặc thù đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, BĐBP là lực lượng gần dân nhất, sát dân nhất. BĐBP đã tham gia xây dựng NTM trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có 4 lĩnh vực nổi bật. Trước hết, về hạ tầng, lực lượng BĐBP vận động kinh phí, điều động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ giúp dân làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn bản, điểm vui chơi... Lĩnh vực thứ 2 có sự tham gia rất rõ nét của BĐBP đó là phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu quan trọng nhất của NTM là thay đổi phương thức sản xuất và lực lượng BĐBP đã trực tiếp làm tốt việc này với rất nhiều mô hình mới.

Chúng tôi rất bất ngờ là BĐBP đã giúp 2 xã đặc biệt khó khăn (Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) hoàn thành tiêu chí NTM. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, BĐBP sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình giúp các xã vùng sâu, vùng xa còn lại sớm đạt được các tiêu chí về NTM.

Lĩnh vực thứ 3 là về văn hóa, xã hội và môi trường. Một trong những mục tiêu của xây dựng NTM là đời sống tinh thần và vật chất phải được nâng lên. BĐBP là lực lượng xung kích, thực hiện hiệu quả nhất việc vận động người dân phá bỏ tập tục lạc hậu, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa mới, đảm bảo an ninh, trật tự ở vùng biên giới, hải đảo.

Lĩnh vực thứ 4 là xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Tôi được biết, nhiều năm qua, BĐBP đã tăng cường cán bộ cho các xã biên giới giữ các chức danh Phó Bí thư, Chủ tịch xã... Ngoài ra, BĐBP còn cử đảng viên sinh hoạt tại các chi bộ xóm, bản, phân công cán bộ phụ trách các hộ dân biên giới...

- Để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, BĐBP đã xây dựng một hệ thống đài canh tại 28 tỉnh, thành ven biển. Đồng chí đánh giá như thế nào về hoạt động của hệ thống đài canh này?

- Chúng tôi đánh giá rất cao hoạt động của hệ thống đài canh của BĐBP. Hệ thống đài canh đã thông tin cho ngư dân biết về tình hình thời tiết, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết bất thường trên biển. Thông qua hệ thống Icom, ngư dân báo về đất liền những diễn biến bất thường trên biển như tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền, tàu thuyền của ngư dân bị hỏng hóc...

Trong nhiều năm qua, chúng tôi khẳng định là không có một tàu, thuyền nào bị tai nạn do không nhận được thông tin. Nói như vậy để thấy rằng vị trí, vai trò cũng như hiệu quả của hệ thống đài canh này rất lớn. Chúng tôi sẽ phối hợp với BĐBP tốt hơn để duy trì và phát huy hiệu quả của hệ thống đài canh. Chúng tôi mong muốn, thời gian tới, hệ thống đài canh sẽ chuyển tải được nhiều thông tin hơn, góp phần thực hiện có hiệu quả việc khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).

- Liên quan đến công tác ứng phó với thiên tai, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của lực lượng BĐBP khi cứu hộ, cứu nạn trên biển?

- BĐBP là lực lượng tham gia cả công tác phòng và chống thiên tai. Trước mỗi cơn bão, lực lượng BĐBP trực tiếp kiểm đếm, hướng dẫn ngư dân đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Khi xảy ra sự cố, lực lượng BĐBP cũng là những người đầu tiên thực hiện ứng cứu. Tôi thấy rằng, hiện nay, phương tiện của chúng ta chưa đảm bảo. Ví dụ như gió cấp 8 chẳng hạn, chúng ta không có phương tiện hiện đại để ra biển cứu hộ. Vì thế, chúng tôi mong muốn, sắp tới sẽ đầu tư các phương tiện, trang bị cho BĐBP đảm bảo an toàn khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lăng Cô, BĐBP Thừa Thiên Huế ứng cứu thuyền của ngư dân bị nạn trên biển vào bờ. Ảnh: Anh Thế

- Từng chứng kiến cán bộ, chiến sỹ BĐBP giúp dân ứng phó với thiên tai, Thứ trưởng có thể cho biết cảm nhận của mình về tình cảm, trách nhiệm của BĐBP đối với người dân?

- Trong cơn bão số 2, bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa bị tàn phá rất nặng nề. Tôi đã đi bộ 7km vào đó nắm tình hình. Tôi được biết, Đồn Biên phòng Na Mèo đã cử cán bộ vào giúp dân trước đó 1 ngày. Lúc ấy, những thứ thiết yếu như mì tôm, nước ngọt đều do BĐBP tặng cho người dân. Bà con rất cảm động vì BĐBP là lực lượng có mặt đầu tiên, giúp đỡ họ đầu tiên.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký quy chế phối hợp về bảo vệ rừng, phòng chống thiên tai, đấu tranh bảo vệ chủ quyền... Trong thời gian tới, để quy chế phối hợp thực sự phát huy hiệu quả, hai lực lượng cần phải nỗ lực như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Chúng tôi đánh giá rất cao hiệu quả của những chương trình đã ký kết. Để phát huy vị trí, vai trò, sở trường của mỗi bên thì thời gian tới, chúng ta cần rà soát lại các chương trình đã ký kết; đánh giá lại cụ thể hiệu quả của nó, thực tế thay đổi như thế nào từ khi thực hiện chương trình phối hợp. Từ đó, đề xuất lựa chọn một số việc mới hơn, cụ thể hơn, vừa có diện rộng, vừa có chiều sâu, vừa có điểm nhấn để hai bên cùng thực hiện.

Trên từng lĩnh vực cụ thể, chúng tôi mong muốn có sự tham gia chặt chẽ thêm, như vấn đề bảo vệ rừng. Chúng tôi có lực lượng Kiểm lâm, nhưng một số diện tích rừng tự nhiên lại nằm chủ yếu dọc khu vực biên giới nên rất cần sự tham gia của lực lượng BĐBP. Hai bên cần phối hợp vừa tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng pháp luật, vừa tuần tra canh gác, phát triển trồng rừng... Về phát triển kinh tế, hiện đã có những đoàn kinh tế quốc phòng, nhưng chúng tôi mong muốn sẽ có những mô hình cụ thể với BĐBP. Đối với bà con vùng sâu, vùng xa, phải “cầm tay, chỉ việc” mà việc này chỉ có lực lượng BĐBP làm tốt.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng!

Bích Nhượng(Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bo-doi-bien-phong-la-luc-luong-gan-dan-sat-dan-nhat/