Bộ đội Biên phòng Kiên Giang: Như tấm lòng của biển

Suốt nhiều năm qua, bộ đội biên phòng (BĐBP) Kiên Giang đã giúp hơn 100 trẻ bỏ học, học yếu do hoàn cảnh gia đình khó khăn... tiếp tục đến trường học tập và tiến bộ. Những người lính Cụ Hồ ngày nay bắt đầu công việc này với cả tấm lòng như vùng biển Tây rộng lớn và giàu có quê nhà...

Nụ cười tươi rói này giữa người dân bên kia biên giới với BĐBP Việt Nam, chính là đường biên giới vững chắc và bền vững nhất. (Ảnh: Lục Tùng)

Dẫn đầu cả nước

Tôi “ấn tượng” với câu chuyện đỡ đầu học trò của BĐBP Kiên Giang trong dịp cùng đoàn công tác Sở GD-ĐT Kiên Giang ra hòn Lại Sơn (xã Lại Sơn – Kiên Hải – Kiên Giang) thăm thầy cô, trường lớp... nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2017.

Khi đoàn thăm lớp 3/2 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, chúng tôi như ngập thương cảm khi chứng kiến cảnh tượng học sinh Lâm Chí Thừa (SN 2009, ấp Bãi Nhà A, xã Lại Sơn) nắn nót viết chữ với đôi bàn tay dị tật. Và càng thương cảm hơn khi biết gia cảnh em khá bi đát: Mồ côi cha, sống với nội. Tuy nhiên, ngay sau đó, những lo lắng vụt tan biến. Rất ngẫu nhiên, đúng lúc đó, Đồn Biên phòng Hòn Sơn tìm đến trao tiền đỡ đầu hàng tháng.

“Theo quy định chung, mỗi tháng, Đồn hỗ trợ cho cháu Thừa 500.000đ” - thiếu tá Danh Lê Quyền chia sẻ thêm - “Nhưng ngoài ra, chúng tôi còn trực tiếp đến nhà tìm hiểu để kịp thời quan tâm hỗ trợ mỗi khi cháu bệnh ốm...”. Chính sự chăm lo theo phương thức mở này đã giúp Thừa có thêm điều kiện tiếp tục đi học...

Không chỉ có ở vùng biển đảo, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang còn quan tâm đến chuyện “học tập lập thân” của thế hệ trẻ trên đất liền, nhất là vùng đồng bào dân tộc, ven biên... Do gia cảnh nghèo, đầu năm học 2016 - 2017, em Thị Hiền (dân tộc Khmer, SN 2005, ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ) nhiều lần bỏ học đi làm thuê phụ giúp gia đình.

Biết tin, Đồn BĐBP Phú Mỹ đến tìm hiểu, động viên và quyết định nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ hàng tháng là 500.000đ. Kết thúc năm học, cô học sinh lớp 7 Trường THCS Phú Mỹ này được xếp loại Giỏi.

Không chỉ trao tiền hỗ trợ, Thượng tá Đỗ Văn Hoàng – Chính trị viên Đồn BĐBP Phú Mỹ còn vui vẻ nhắc nhở em Quang Xiêng cắt tóc. (Ảnh: Lục Tùng)

Đây là 1 trong số hơn 100 học sinh được BĐBP Kiên Giang nhận đỡ đầu theo chủ trương “Nâng bước em tới trường” của Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam. Đó không phải là chuyện đơn giản, bởi, theo quy định của Bộ Tư lệnh, sau khi nhận đỡ đầu, các đơn vị phải chu cấp, chăm lo liên tục cho các em cho đến hết lớp chương trình phổ thông mới thôi.

Vì sao một địa phương có nhiều Đồn BĐBP đóng quân trên các địa bàn biển đảo, biên giới khó khăn lại đạt được con số ấn tượng này? Đại tá Đặng Văn Thống, Tỉnh ủy viên, Chính ủy BCH BĐBP Kiên Giang, chia sẻ: “Đầu tiên là Bộ chỉ huy phải làm gương, tự nguyện đóng góp trước, sau đó quán triệt mục đích, ý nghĩa đến tận cán bộ chiến sĩ với mục tiêu, kế hoạch cụ thể”.

Nhờ cách làm sinh động và có tình, có lý đó mà nhiều đơn vị còn gặp khó khăn, đóng quân trên địa bàn xã nghèo, huyện nghèo, như Phú Mỹ, Vĩnh Điều... lại lập kỷ lục về số học sinh được đỡ đầu. Cụ thể, Đồn BĐBP Phú Mỹ đỡ đầu 20 học sinh. Tương tự Đồn Vĩnh Điều, Đồn Hà Tiên mỗi đồn 10 học sinh. Đây là một nỗ lực vượt bực, vì nguồn thu nhập chính ở đây chủ yếu từ lương.

Sáng tạo đi đầu và đi xuyên biên giới

Thực ra không phải đợi đến khi Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam có chủ trương, trước đó, BĐBP Kiên Giang đã “xé rào” chính sách để đi đầu trong việc hỗ trợ học sinh nghèo vùng khó khăn.

Chuyện bắt đầu vào năm 2010, trong vai trò Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đại úy Danh Kim Huôl (Đồn BĐBP Hà Tiên, nay là Thiếu tá, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phú Mỹ) trong một lần đi tuần dưới trời mưa gió, đã phát hiện hai đứa trẻ là Nguyễn Văn Lập (SN 2000) và Nguyễn Văn Nghiệp (SN 2001) gầy yếu, đang nằm co ro trong mái trại tạm trong khu vực chợ biên giới.

Qua tìm hiểu và biết tình cảnh hai em rất đáng thương: Cha mất do tai nạn trên biển, mẹ bỏ đi, hai em ở với bà nội đã ngoài 80 tuổi... Bất chợt ý nghĩ mới ập đến, Huôl xin ý kiến lãnh đạo Đồn cưu mang hai đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Do chưa có tiền lệ, nên BĐBP Kiên Giang phải xé rào, làm tờ trình, xin ý kiến. Sau khi xem xét, Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam mới chấp thuận cho phép thử nghiệm.

Không chỉ được chăm sóc cơm nước, 2 cháu còn được Đồn cử cán bộ đến theo dõi, rèn luyện để trở lại đi học. Từ mô hình này còn tạo cơ sở để Đồn mạnh dạn tiếp nhận bảo trợ thêm 3 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khác và 2 cụ già neo đơn...

Thiếu tá Danh Lê Quyền trao tiền hỗ trợ cho học sinh Lâm Chí Thừa (SN 2009, ấp Bãi Nhà A, xã Lại Sơn) bị dị tật bẩm sinh, mồ côi cha, sống với nội. (Ảnh: Lục Tùng)

Không chỉ “đi đầu” chủ trương, trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương chung “Nâng bước em tới trường” của BĐBP Việt Nam, BĐBP Kiên Giang còn chủ động sáng tạo ra cách làm mới và tất nhiên là nâng ý nghĩa, mục đích của chương trình đầy tính nhân văn này vượt khỏi giới hạn của quốc gia. Đó là việc chủ động đề xuất đưa chương trình “Nâng bước em tới trường” sang bên kia biên giới.

Theo đó song song với việc triển khai trong nội địa, BĐBP Kiên Giang còn phân công nhau nhận đỡ đầu học sinh nghèo tại các xã giáp biên với thị xã Hà Tiên, huyện Giang Thành... Hiện tổng số học sinh được nhận đỡ đầu đã lên đến 20 em.

Như giao ước, cứ đến ngày 15 mỗi tháng, cán bộ Biên phòng Kiên Giang lại sang bên kia biên giới trao tiền hỗ trợ cho 20 học sinh. Tháng 2.2018, tháp tùng đoàn công vụ của Đồn BĐBP Phú Mỹ (Giang Thành - Kiên Giang), sang xã Pray Cơ Rớ, huyện Kông Vong Trách, tỉnh Kam Pốt (Vương quốc Campuchia) trao tiền cho 6 học sinh mà đơn vị đã nhận đỡ đầu, chúng tôi mới nhận thấy những khó khăn của BĐBP Kiên Giang trong khi làm công vụ.

Do được thông báo trước nên đơn vị bố trí xe ôtô chở đoàn nhà báo tác nghiệp. Nhưng ngay cả khi đi bằng xe “2 cầu” đời mới, chúng tôi cũng mất gần trọn 1 ngày mới hoàn tất công việc. Một phần vì dân cư sống thưa thớt, một phần vì đường sá nhỏ hẹp, chủ yếu là những lối mòn. Vì vậy khi biết, hàng tháng cán bộ Đồn sang đây trao tiền bằng xe môtô, tôi mới cảm nhận được nỗi vất vả, gian nan của người lính Cụ Hồ làm từ thiện xuyên giới.

Ngồi trên xe liên hồi “xốc lên, thụt xuống” theo mức độ gồ ghề của mặt đường, Trung úy Danh Hải - cán bộ “chuyên trách” nhiệm vụ trao tiền hàng tháng của Đồn Phú Mỹ cho chúng tôi biết: “Đường sá ở đây thuộc diện “nắng bụi, mưa bùn”. Mùa nắng, đi công tác xong về, gội đầu đến lần thứ 2, thậm chí thứ 3, xà bông mới có có bọt. Còn gặp những ngày mưa, mặt đường tấy bùn, sình, xe không thể quay bánh được... Nhưng dù cực đến mấy, vẫn ráng đi, vì biết các em đang rất cần...”.

Điểm đến đầu tiên là nhà em Quang Xiêng thuộc ấp Cơ Tờ Râu. Sinh năm 2005, năm nay Xiêng học lớp 5 (Trường tiểu học Đon Dau), nhưng trước đó em suýt phải bỏ học vì gia cảnh quá khó khăn. Là con cả trong gia đình 4 người con, cha chết, mẹ bị mất bàn tay trong vụ tai nạn lao động.... nên có lúc Xiêng mò cua, bắt cá rồi phụ giúp việc kiếm tiền nuôi mẹ và 3 em nhỏ.

Thông qua lãnh đạo xã Pray Cơ Rớ, Đồn Biên phòng Phú Mỹ nhận đỡ đầu cho Xiêng có điều kiện đến trường. Ngoài mức hỗ trợ 500.000đ/tháng, theo chỉ đạo của Đồn, cán bộ trao tiền kiêm luôn nhiệm vụ thăm hỏi, động viên và kịp thời đề xuất giải pháp giúp đỡ lúc hữu sự. Theo đó, khi là thuốc trị bệnh thông thường, khi gạo, đường... mỗi khi gia đình có người bệnh. Vì vậy, ở đây không có chuyện xin - cho, mà gắn bó như người trong nhà.

Hình ảnh cả nhà Xiêng ùa ra đón chúng tôi vui như Tết là minh chứng cho mối quan hệ hữu hảo này. Và chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh nụ cười thân thiện đó trên suốt chặng đường công tác. Vâng, những nụ cười hạnh phúc, viên mãn, chỉ có thể bắt nguồn từ những tấm lòng bao la như biển lớn của BĐBP Kiên Giang.

lục tùng

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/bo-doi-bien-phong-kien-giang-nhu-tam-long-cua-bien-604958.ldo